Ukraina suy, Putin lợi
Hai năm sau khi người Ukraina đổ máu trên các con phố ở Kiev nhằm lật đổ chính quyền được Nga hậu thuẫn, đất nước với hơn 40 triệu dân này đang trên đà sụp đổ.
Nguy cơ lụn bại
Theo tờ Bloomberg, suốt cả quá trình dài rơi vào tình trạng hỗn loạn, chính phủ Kiev lại gặp cơn bĩ cực mới trong tuần này, khi thừa nhận công cuộc cải tổ phải trì hoãn, và trong lời nói chối tai về tham nhũng có ý cho rằng Tổng thống Petro Poroshenko tìm cách "hất cẳng" Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk.
Đảng của cựu nữ hoàng Cách mạng Cam Yuliya Tymoshenko rút khỏi liên minh cầm quyền. Các đảng phái đều cáo buộc ông Poroshenko và Yatsenyuk dàn cảnh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm duy trì hiện trạng, và làm trệch hướng chỉ trích về tham nhũng. Trong các cuộc thăm dò dư luận, công chúng đều quy trách nhiệm cho các lãnh đạo này.
Đấu đá nội bộ đã hủy hoại dòng tiền từ quỹ cứu trợ tài chính 17,5 tỉ USD và cản trở sự khôi phục nền kinh tế từ suy thoái kéo dài 18 tháng. Suy thoái lại càng bị nhấn chìm sau quyết định của Tổng thống Nga sáp nhập Crưm và hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông.
Ukraina đang chao đảo từ hết khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, kể từ khi tách khỏi mối ràng buộc với Nga khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Giám đốc chương trình cấp cao Joerg Frobrig, tại Quỹ German Marshall của Mỹ tại Berlin, nhận định: Họ không thể thuần phục được giới tài phiệt ‘phong kiến’ và chấm dứt nạn hối lộ đặc hữu sau khi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, và rốt cuộc đang khiến các nhà tài trợ ở Washington và Brussels mất dần kiên nhẫn.
Forbrig nói: nếu Ukraina bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để cải cách, phương Tây sẽ bỏ rơi họ, và dấy lên một cuộc khủng hoảng mới và công chúng càng phản đối dữ dội.
“Ukraina sẽ nổ tung. Nga vốn làm việc thông qua cơ cấu tài phiệt, sẽ có thể thao túng đất nước này tùy ý” – Forbrig bình luận.
Putin đắc lợi
Sự chia rẽ ở Kiev có thể mang lại lợi thế cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tiến trình hòa bình ở Minsk, nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraina.
Ông Poroshenko đến nay đã không thể khiến 2/3 đa số trong quốc hội thông qua các sửa đổi hiến pháp mà theo đó, quân ly khai có thể giành thêm quyền lực theo hòa ước Minsk.
“Ý định của lãnh đạo Nga rất đơn giản, đó là làm đóng băng tình thế” – Igor Bunin, giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị tại Moscow, nhận định.
Ông Bunin nói thêm, các khu vực ly khai có thêm quyền tự trị sẽ giúp ông Putin ngăn Ukraina gia nhập EU và NATO.
Đồng thời, ông Putin cũng đang gây sức ép lên ông Poroshenko trong nhiều vấn đề khác.
Hôm 17/2, Nga đã đệ đơn kiện Ukraina lên Tòa án tại London, đòi Ukraina trả khoản tiền trái phiếu 4 tỷ USD mà chính phủ ông Yatsenyuk nợ.
Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov nói: hành động pháp lý này diễn ra sau "vô số nỗ lực không thành" nhằm thiết lập đối thoại với Ukraina. “Tôi hy vọng là tiến trình phiên tòa tại Anh sẽ công khai và minh bạch” – ông Siluanov nói.
Không có cách mạng
Theo Volodymyr Fesenko, Giám đốc Trung tâm phân tích chính trị Penta tại Kiev, cuộc tranh đấu của ông Yatsenyuk không liên quan trực tiếp tới cuộc xung đột ở miền đông Ukraina, vì ông Putin sẽ không để cho một cuộc tấn công lớn nào xảy ra khi đang tìm cách gỡ bỏ trừng phạt của EU và Mỹ.
Ngài Thủ tướng là chính trị gia khó ưa nhất tại Ukraina bởi không thể tiến hành cải cách, nhưng mức độ bất mãn "chưa đủ để gây ra một cuộc cách mạng" – ông Fesenko nói. “Mọi người hẵng còn bận tâm với việc mưu sinh”.
Cảm giác đó có thể thấy rõ trên các con phố quanh quảng trường Maidan ở Kiev – tâm điểm của các cuộc biểu tình dẫn tới việc lật đổ Tổng thống Yanukovych hai năm trước.
Svitlana Rodionova, 51 tuổi, cùng chồng là Oleksandr, 54 tuổi, là du khách từ Sumy – gần biên giới Nga – nói: chẳng ai còn hơi sức làm cách mạng nữa.
“Vẫn còn khá nhiều người bắt đầu nhìn về phía Nga. Nhưng rõ ràng là ở đó chẳng còn gì để mà trông ngóng. Chúng tôi cần hướng sang châu Âu” – Oleksandr nói.
Theo Lê Thu
Vietnamnet