Ukraina phá sản là không thể tránh khỏi
Ngày 27/8, hãng Fitch đã hạ điểm tín nhiệm dài hạn bằng ngoại tệ của Ukraina từ “nguy cơ phá sản cao” xuống “phá sản không thể tránh khỏi”. Trong khi đó Thủ tướng nước này vẫn kiên quyết tiếp tục đổ tiền cho quốc phòng.
Một bà lão ngồi ăn xin bên cạnh một quầy đổi tiền ở Kiev
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Ukraina Natalia Yaresko thông báo đã thỏa thuận được với các chủ nợ nước ngoài để xóa 20% trong tổng nợ gần 20 tỷ USD cho Kiev.
Từ tháng 3/2015, Chính phủ Ukraina đã tiến hành thương lượng với các chủ nợ quốc tế để được tái cơ cấu khoản nợ trái phiếu chính phủ khoảng 20 tỷ USD. Phía Kiev muốn được xóa 40% trong tổng số nợ này.
Dù các chủ nợ như Tập đoàn Franklin Templeton của Mỹ và ba tập đoàn tài chính lớn khác, chủ nắm giữ gần một nửa trong tổng số 20 tỷ USD nợ nêu trên, cho rằng Kiev còn dự trữ trong ngân hàng trung ương đủ để thanh toán toàn bộ nợ, song Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Mỹ, vốn ủng hộ Chính phủ thân phương Tây tại Kiev, đã gây sức ép thuyết phục các chủ nợ chấp nhận một phần thiệt hại.
Thông cáo báo chí của Fitch nêu rõ, việc các nước xóa nợ cho Ukraina chứng tỏ nguy cơ phá sản đến rất gần và thỏa thuận này được đánh giá là nỗ lực nhằm tránh phá sản.
Ngoài ra, số trái phiếu chính phủ Ukraina tiền nhiệm đã phát hành để vay 3 tỷ USD của Nga, thời hạn thanh toán vào tháng 12/2015, cũng được đưa vào danh mục các trái phiếu tái cơ cấu.
Bà Yaresko thậm chí bác bỏ phương án “thanh toán đầy đủ” số tiền này. Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 27/8 tuyên bố Moskva kiên quyết không xóa nợ cho Ukraina. Ông Siluanov cho biết sẽ yêu cầu Kiev phải thanh toán hết số tiền 3 tỷ USD trên vì đây là tiền nhà nước vay, và không thuộc diện tín dụng thương mại mà Ukraina đàm phán xóa nợ.
Nga luôn có lập trường cứng rắn trong phản đối tái cơ cấu nợ cho Ukraina, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Mỹ lại ủng hộ nới lỏng, động thái được xem như nhằm giữ cho Kiev không quay trở lại tầm ảnh hưởng của Moskva.
Một vấn đề khác liên quan tới nước Nga, ngày 28/8 Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk cho rằng Kiev và Moskva cần quay trở lại thỏa thuận khí đốt vào mùa Đông năm ngoái, khi đó Ukraina thanh toán trước tiền khí đốt cho Nga và nhận được giảm giá đáng kể.
Năm ngoái, Ukraina và Nga từng đạt một thỏa thuận khẩn cấp về giá khí đốt bán trong mùa Đông. Thỏa thuận này nay đã hết hạn và 2 bên phải tiến hành các cuộc đàm phán mới nếu Ukraina muốn tiếp tục nhận được khí đốt.
Bất chấp những cảnh báo của Fitch, ngày 28/8, Thủ tướng Ukraina tuyên bố chính phủ nước này sẽ không cắt giảm chi tiêu cho quân đội.
Phát biểu tại một phiên họp của Chính phủ, ông Yatsneyuk nói: “Chúng tôi sẽ không cắt giảm chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng”. Thủ tướng Ukraina lưu ý rằng chính phủ nước này đã dự chi gần 100 tỷ hryvnia (khoảng 4,5 tỷ USD) cho lĩnh vực quốc phòng trong năm nay.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Ukraina Natalya Yaresko cho biết trong năm nay, nước này sẽ tăng gấp 4 lần chi tiêu cho việc mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự, nâng mức chi tiêu quốc phòng từ 1,25% GDP của năm ngoái lên 5,2% GDP trong năm 2015.
Theo thỏa thuận hiện hành với IMF, Kiev phải tiết kiệm hơn 15 tỷ USD trong vòng 4 năm tới, trong đó 5,2 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015.
Cuộc xung đột ở miền Đông kéo dài hơn một năm qua đã đẩy kinh tế Ukraina vào tình trạng suy sụp với giá trị đồng nội tệ xuống thấp kỷ lục, trong khi lãi suất tăng cao nhất trong 15 năm qua.
Tổng nợ quốc gia và nợ quốc gia đảm bảo của Ukraina hiện đã lên tới 70 tỷ USD. Trong quý 1/2015, tăng trưởng kinh tế của Ukraina đã sụt giảm tới 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Nh.Thạch/AP, ABC News...
PetroTimes