Úc xem xét bổ sung tàu ngầm tìm kiếm MH370
(Dân trí) - Các tàu ngầm và thiết bị đặc biệt dưới nước khác có thể được triển khai để tìm kiếm chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines, sau khi tàu ngầm mini không người lái phải hủy bỏ cuộc tìm kiếm đầu tiên do đáy biển Ấn Độ Dương sâu vượt tầm hoạt động của nó.
Tàu ngầm không người lái Bluefin-21.
Tuy nhiên, Bluefin-21 đã buộc phải cắt ngắn sứ mệnh dự định kéo dài 20 giờ ngay trong ngày tìm kiếm đầu tiên do độ sâu của biển sâu hơn 4,500 m, vượt tầm hoạt động của tàu. Cuộc phân tích dữ liệu từ cuộc tìm kiếm kéo dài 6 giờ của Bluefin-21đã cho thấy không có xác máy bay nào trong khu vực.
Giới chức cho biết các thiết bị lặn lớn hơn có thể là cần thiết vì mặc dù khu vực có độ sâu trung bình nằm trong tầm hoạt động của Bluefin-21 nhưng một số khu vực vẫn sâu hơn và nằm ngoài khả năng của nó.
Ông Angus Houston, người đứng đầu trung tâm điều phối tìm kiếm MH370 tại thành phố Perth (Úc), cho hay việc triển khai các tàu bổ sung “đang được xem xét”.
Bluefin-21đã dự kiến được tái triển khai cho lần lặn thứ 2 kéo dài 20 giờ và được tái lập trình để đảm bảo rằng nó vẫn hoạt động được ở dưới nước và không lặn quá độ sâu tối đa. Tuy nhiên, thời tiết xấu đã khiến việc triển khai tàu lùi so với kế hoạch.
Đại tá Mark Matthews, từ hải quân Mỹ, cho hay cuộc tìm kiếm bằng tàu ngầm đang diễn biến chậm và sẽ bắt đầu bằng việc rà soát 4 khu vực ở Ấn Độ Dương, nơi các tín hiệu có thể là từ hộp đen được phát hiện hồi tuần trước.
“Chúng tôi đang nghiên cứu các khu vực ưu tiên cao”, Đại tá Matthews nói. “Nếu các cuộc triển khai chiến thuật này không mang lại kết quả, chúng tôi sẽ cần mở rộng khu vực tìm kiếm”.
Đại tá Matthews cũng cho biết, giới chức có thể cân nhắc triển khai thêm các tàu ngầm và thiết bị dưới nước, nhưng nói thêm rằng “chúng tôi chưa sẵn sàng chuyển sang giai đoạn đó”.
Giới chức tin tưởng rằng các tiếng ping được phát hiện hồi tuần trước là từ hộp đen máy bay MH37 và rằng xác máy bay nhiều khả năng nằm trong khu vực tìm kiếm nằm cách bờ biển phía tây nước Úc khoảng 1.050 km.
Một cuộc tìm kiếm trên biển và trên không, với sự tham gia của 9 máy bay quân sự, 2 máy bay dân sự và 11 tàu, vẫn tiếp tục tìm các mảnh vỡ trôi nổi của máy bay. Tuy nhiên, cho tới nay chưa mảnh vỡ nào được tìm thấy.
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, chở 239 người trên khoang, đã mất tích hôm 8/3 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh.
An Bình
Theo Telegraph