1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Úc gặp khó khi can thiệp vào Biển Đông

(Dân trí) - Việc Úc tuyên bố điều máy bay quân sự bay qua Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền là một bước đi lớn, chứa đựng những rủi ro đáng kể. Giới phân tích nhận định Canberra cũng khó mà có thể cứng rắn với "ngân hàng" của mình.

Một chiếc P-3 của Không quân Hoàng gia Úc đang làm nhiệm vụ. (Ảnh:

Một chiếc P-3 của Không quân Hoàng gia Úc đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: AircraftInfomation)

Theo Diplomat, Úc đã tuyên bố có thể nước này sẽ cho máy bay P-3 bay qua Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc hung hăng đưa ra nhiều tuyên bố chủ quyền.

Trước đó, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Peter Jennings, người đang là Chủ tịch Ban nghiên cứu Sách trắng Quốc phòng Chính phủ Úc kêu gọi Canberra sẵn sàng gửi phương tiện quân sự tới Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát tuyến giao thông hàng hải ở khu vực này.

Về động thái tích cực đó, học giả Greg Raymond, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương của Đại học quốc gia Úc, đánh giá rằng: “Hoạt động của một máy bay quân sự Úc trong bối cảnh lúc này là bước đi lớn, chứa đựng những rủi ro đáng kể, bao gồm cả xung đột hoặc nghiêm trọng hơn thế.” Chuyên gia Greg cũng cho rằng hành động này thể hiện việc thiếu vắng nỗ lực ngoại giao cần thiết từ phía Úc để giải quyết vấn đề.

Theo ông Greg, trước đây, chính sách ngoại giao của Úc về vấn đề Biển Đông chỉ giới hạn ở tuyên bố thúc giục các bên tranh chấp tuân thủ luật quốc tế, duy trì nguyên trạng và hoàn thiện Bộ luật ứng xử. Xét theo khía cạnh này thì chính sách thời Thủ tướng Abbott đã có tính kế thừa chính sách của hai cựu Thủ tướng Rudd và Gillard.

Tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews đã kêu gọi ngừng ngay mọi hoạt động cải tạo, bồi đắp đất đá. Những diễn biến trên Biển Đông mới đây đã khiến chính sách đối ngoại của Úc trở nên cứng rắn hơn, thậm chí đến mức triển khai quân sự. 

Hiện đàm phán Bộ luật ứng xử trên Biển Đông (COC) đang bế tắc do Trung Quốc cố ý cản trở. Cộng đồng quốc tế cũng đang dấy lên lo ngại hành động cải tạo đất đá của Trung Quốc là bước chuẩn bị cho việc đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực này. 

Kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã bắt đầu duy trì khu vực Biển Đông như vùng lợi ích sống còn của Trung Quóc. Vậy tại sao sự nghiêm trọng của vấn đề này lại không thúc đẩy chính sách khu vực của Úc năng động hơn ngay từ lúc đó?

Một phần câu trả lời có thể thấy qua phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: “khó mà cứng rắn được với ngân hàng của mình.” Khi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về một ADIZ, Trung Quốc có một loạt phản ứng tức giận và tiếp đó tỏ ra lo ngại rằng Hiệp định mậu dịch tự do dự kiến ký theo kế hoạch có thể sẽ dừng lại. 

Dường như sau đó Úc đã trở nên ngần ngại trong việc phối hợp với các nước ASEAN để hình thành lập trường chung gây sức ép với Trung Quốc. Kết quả là cả giới lãnh đạo và truyền thông của Úc đều không phản ứng gì với hành động của Trung Quốc, Canberra như thể bị kẹt giữa nỗi e sợ cùng các toan tính riêng.

Trong bài viết trên tờ Diplomat, chuyên gia Greg nhấn mạnh rằng Úc cần phải tìm ra hướng đi cho chính sách ngoại giao đa phương của mình. Cụ thể như có thể  làm việc cùng các nước láng giềng ASEAN và chính Trung Quốc để có được nhận thức chung về vấn đề. Úc không nên chỉ gắn chặt vào những lợi ích trao đổi, mà thay vào đó cần có cách tiếp cận thực tế với từng phần, tìm cách giải quyết những vấn đề đơn lẻ trước.
 
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng tán thành cam kết toàn diện trong khu vực thông qua 3 lĩnh vực chủ chốt là quốc phòng, ngoại giao và phát triển,  nên Úc không thể bỏ qua lĩnh vực nào.

Năm 2014, các học giả Nick Bisley và Malcolm Cook đã xem xét lại yếu tố khiến cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) thất bại trong mục tiêu khơi dậy các tiềm năng to lớn của khu vực. Hai học giả kết luận là cần có sự hỗ trợ thể chế lớn hơn để đảm bảo duy trì động lực của EAS giữa các kỳ họp và thể hiện ý nghĩa tìm ra được ý tưởng về chính sách. Chắc chắn Úc có thể đóng góp nhiều hơn vào tiến trình này vì như Bộ trưởng Quốc phòng Dennis Richardson đã nói, Úc xếp thứ 12 thế giới về quy mô nền kinh tế và thứ 13 thế giới về tổng kinh phí ngân sách quốc phòng.

Greg cũng cho rằng Úc cần đóng góp nhiều ý tưởng hơn nữa. Một trong những ý tưởng cần xem xét và đánh giá lại là ý kiến của cựu Ngoại trưởng Bob Carr phát biểu năm 2013: đề xuất chia sẻ nguồn tài nguyên. Ý tưởng này có thể dẫn đến một hiệp định chia sẻ tài nguyên mà không cần giải quyết các đòi hòi chủ quyền vốn rất gây xung đột. Hiệp ước Nam Cực 1961 là một ví dụ điển hình mà trong đó các bên có khả năng gác bỏ vấn đề chủ quyền sang một bên, vì lợi ích chung.

Chính sách ngoại giao khu vực của Úc dưới chính quyền Abbott chủ yếu nhắm đến các hiệp định mậu dịch tự do và hỗ trợ Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc.

Trước đây, Úc đã hành động tích cực và chủ động để giúp giải quyết các vấn đề nghiêm trọng của khu vực, ví dụ như giải quyết vấn đề hòa bình ở Campuchia trong những năm 1990-1993. Tuy nhiên, theo đánh giá của hai học giả chuyên nghiên cứu về an ninh là Michael Wesley và Allen Gyngell, trong vấn đề Campuchia thời kỳ đó, có thể Úc có các lợi ích chính sách nhưng không can dự trực tiếp, hoàn toàn không giống như trong vấn đề Biển Đông.

Chuyên gia Greg Raymond kết luận: “Tham gia giải quyết vấn đề ở Biển Đông chắc chắn cũng cần ít nhất những nỗ lực ngoại giao như vấn đề Campuchia. Hành động của Úc tới đây cần theo hướng tiếp cận độc lập và để hoạt động ngoại giao có nhiều thời gian hơn nữa. Úc cần phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các đối tác khu vực để đẩy lùi chủ nghĩa đơn phương mà không làm leo thang tình hình có thể dẫn tới sử dụng vũ lực.”

Hoài My
Theo Diplomat