1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Giáo sư Úc: Mỹ phải công bố mọi hành vi gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông

Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đề xuất một số kế sách cụ thể mà Mỹ có thể áp dụng để chống lại chiến lược áp đặt chủ quyền mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông.

Giáo sư Úc: Mỹ phải công bố mọi hành vi gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông
Ảnh chụp vệ tinh cảnh bồi đắp cát ở đá Vành Khăn của trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc tế CSIS tại Washington.

Giáo sư Carlyle Thayer trình bày những điểm cụ thể này trong tham luận về Chiến lược hải quân và quân sự của Mỹ tại Biển Đông ngày 17.6.2015 tại Diễn đàn Chiến lược Current Strategy Forum 2015 do Học viện Hải chiến Mỹ ở Newport, Rhode Island tổ chức.

Ngoài các hoạt động cụ thể mà Hải quân Mỹ nên thực hiện trên hiện trường, tức là ngay tại Biển Đông, Giáo sư Thayer còn đề nghị chính quyền Mỹ đẩy mạnh chiến dịch phản công trên bình diện thông tin, và vận động công luận thế giới phản đối các hành vi của Trung Quốc.

Tại sao lại phải chú ý đến mảng thông tin? Đó là vì, theo Giáo sư Thayer, tuyên truyền là một thành tố quan trọng trong chiến lược Biển Đông của Trung Quốc, bên cạnh nhân tố quân sự truyền thống.

Ngay trong phần mở đầu tham luận, Giáo sư Thayer nhận định, chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông bao gồm nhiều nhân tố mới, trong đó có vấn đề "sử dụng chiến tranh pháp lý, chiến tranh thông tin và sử dụng các công cụ phi quân sự như tàu thực thi pháp luật trên biển (hải cảnh), tàu đánh cá hoạt động như dân quân của nhà nước, và những giàn khoan, phương tiện thăm dò của ngành công nghiệp dầu khí.

Trên cơ sở nhận định kể trên, Giáo sư Thayer cho rằng, cần công bố thường xuyên hơn thông tin tình báo về các hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc.

"Trung Quốc đã thúc đẩy cuộc chiến tranh thông tin trong tư cách là một thành tố của chiến lược khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông. Cần phải phản công lại cuộc chiến thông tin đó. Chuyến bay gần đây của phi cơ do thám Poseidon 8 của Hải quân Mỹ với nhóm phóng viên CNN là một ví dụ tốt về cách thức phản công, nhưng chỉ một chuyến bay duy nhất không đủ" - Giáo sư Thayer nhận xét.

Đầu năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, đã khai trương bộ phận Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI). Bộ phận này thường xuyên công bố hình ảnh mà vệ tinh thương mại chụp được về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. Nỗ lực của AMTI cần phải được bổ sung bằng các phân tích chuyên sâu và kịp thời hơn.

Theo Giáo sư Thayer, Mỹ nên đưa các thông tin đó ra trong phạm vi công cộng để các phương tiện truyền thông, giới học giả, chuyên gia về an ninh, các nhà phân tích có thể sử dụng.

Theo ông Thayer, thời gian qua chính quyền Mỹ đã tránh làm rõ nhiều thông tin về Biển Đông mà đáng lý cần phải công bố rộng rãi, đặc biệt về các hành vi quá đáng của Trung Quốc. "Vào năm nay chẳng hạn, quan chức Mỹ khẳng định Trung Quốc đặt pháo cơ động trên một trong những hòn đảo nhân tạo (ở Trường Sa), rồi sau đó đã che giấu hoặc gỡ bỏ đi. Lẽ ra Bộ Quốc phòng Mỹ nên công bố hình ảnh của những vũ khí đó, kèm theo ngày giờ và tên của hòn đảo nơi vũ khí được đặt. cũng như tầm bắn của loại pháo này" - Giáo sư nhận định.

Ngoài ra, còn có một số hành động của Trung Quốc không được công bố rộng rãi cho công chúng biết cho dù đáng lý ra phải làm như vậy. Ví dụ việc Trung Quốc được cho là đã sử dụng biện pháp gây nhiễu sóng điện tử để cản trở hoạt động hợp pháp của tàu thực thi luật biển Indonesia bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Indonesia.

Trung Quốc đã ra lệnh cho phi cơ quân sự Philippines bay trên vùng Biển Đông phải rời khỏi "vùng an ninh quân sự" hoặc "vùng cảnh báo quân sự". Trung Quốc được cho là đã nhổ các cột mốc lãnh thổ Malaysia trên bãi đá Luconia và Erica, và thay thế bằng các cột mốc Trung Quốc.

Theo Giáo sư Thayer, mục đích của chiến dịch thông tin là trực tiếp đối phó với cuộc "chiến tranh thông tin" và những cố gắng tuyên truyền của Trung Quốc. Một mục đích khác của chiến dịch là duy trì áp lực không ngừng của công luận lên Trung Quốc, buộc họ phải minh bạch hơn về hoạt động của mình, và hành xử sao cho phù hợp với chuẩn mực khu vực và luật pháp quốc tế.

Theo P.V/RFI