1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

UAV S-70 tham chiến tại Ukraine, liệu Nga có dừng sản xuất Su-34?

Thượng tá Trịnh Ngọc Tiến

(Dân trí) - Chiến thuật của Không quân Nga có thể thay đổi do bắt đầu trang bị máy bay không người lái tàng hình S-70 Hunter. Liệu tiêm kích bom Su-34 có thể bị ngừng sản xuất?

UAV S-70 tham chiến tại Ukraine, liệu Nga có dừng sản xuất Su-34? - 1

Tiêm kích bom Su-34 Không quân Nga (Ảnh: Sputnik)

Theo Topwar, ngày 28/6, máy bay không người lái (UAV) tàng hình hạng nặng S-70 Hunter (Thợ săn) của Nga được cho là đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu quân sự của Lực lượng vũ trang Ukraine ở vùng Sumy.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về các thông tin trên, nhưng nếu S-70 "Thợ săn" thực sự bắt đầu tham chiến sẽ là bước đột phá lớn. Nếu hiệu suất chiến đấu của loại UAV này đáp ứng yêu cầu, có thể khiến tư duy chiến đấu của Không quân Nga thay đổi hoàn toàn. 

Su-34 Nga chưa phát huy hết hiệu quả tại Ukraine

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, hoạt động của Không quân Nga chưa thực sự xứng với tiềm năng của các loại máy bay chiến đấu hiện đại, thậm chí có tổn thất do bị phòng không đối phương bắn hạ, gồm nhiều tiêm kích bom Su-34 chủ lực.

Bản thân Su-34 có nhiều điểm ưu việt, nhưng Nga thiếu bom dẫn đường chính xác, nên chúng phải ném bom không điều khiển ở độ cao thấp và như vậy buộc phải bay vào lưới tên lửa phòng không tầm thấp của Ukraine. Quan điểm này có phần đúng, nhưng nó lại bỏ sót một số điểm.

Thứ nhất, Ukraine sở hữu lực lượng phòng không tương đối mạnh, có khả năng phòng thủ khu vực bằng các hệ thống phòng không tầm xa như Patriot hay S-300, nên dù máy bay Nga sử dụng bom lượn thông minh vẫn nằm trong tầm sát thương của chúng.

Thứ hai, Nga hiện nay đã tăng cường sản xuất và sử dụng bom dẫn đường chính xác, nhưng nhiệm vụ đánh sâu vào lãnh thổ Ukraine vẫn phải sử dụng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, thậm chí cả UAV tự sát Geran-2.

Các máy bay chiến đấu như Su-34 không dám đột nhập vào sâu nội địa Ukraine, chỉ làm nhiệm vụ tấn công vào những vị trí tiền tiêu, đồng thời sử dụng bom lượn có điều khiển, ném từ cự ly cách xa vài chục km nhằm né tránh phòng không Ukraine để giảm tổn thất.

Nga phân công nhiệm vụ như vậy là hợp lý, nhưng thực tế chi phí cho những cuộc tấn công như vậy là quá đắt bởi giá thành của một tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình lên tới vài triệu thậm chí hàng chục triệu USD, trong khi một quả bom dẫn đường chính xác có thể chỉ tốn vài chục nghìn USD.

UAV S-70 tham chiến tại Ukraine, liệu Nga có dừng sản xuất Su-34? - 2

UAV được cho là S-70 của Nga trên bầu trời Ukraine (Ảnh: PressTV).

Su-34 có thể bị dừng sản xuất?

Theo trang thông tin quân sự Sina (Trung Quốc), sau khi Liên Xô tan rã, do khủng hoảng kinh tế, Nga không thể tập trung nguồn lực phát triển các mẫu máy bay ném bom tàng hình như Mỹ.

Cả thế giới đã thay đổi cuộc chơi, hoặc dựa vào khả năng tàng hình để xuyên thủng hàng phòng thủ, hoặc sử dụng máy bay chiến đấu đa năng để tấn công bên ngoài khu vực phòng thủ của đối phương.

Để lấp đầy khoảng trống, Nga chấp nhận đưa vào sử dụng tiêm kích bom Su-34, một phiên bản sửa đối của Su-27, nhưng họ không còn khả năng mua hàng nghìn máy bay ném bom tiền tuyến. Đặc biệt, máy bay hạng nặng hai động cơ không còn thích hợp cho hoạt động xâm nhập không phận đối phương ở độ cao cực thấp.

Có lẽ Su-34 sẽ còn tiếp tục được Nga sản xuất trong một thời gian dài nếu không có xung đột Nga - Ukraine, nhưng mọi thứ đã thay đổi, khả năng thâm nhập tầm cực thấp vốn là thế mạnh của Su-34, sẽ không còn cần nhiều nữa.

Su-34 bây giờ chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ phóng tên lửa từ cách xa hàng trăm km, hoặc thả bom dẫn đường chính xác cách xa vài chục km, như vậy, chẳng phải bộ giáp bọc buồng lái bằng hợp kim titan nặng 1,5 tấn của Su-34 sẽ trở thành một gánh nặng?

Hơn nữa các máy bay chiến đấu đa năng khác của Nga cũng có thể làm được nhiệm vụ này trong khi năng lực không chiến của chúng tốt hơn, vậy tại sao phải tiếp tục chế tạo Su-34?

S-70 có tầm hoạt động lên tới 6.000km, lớn hơn Su-34 tới 2.000km. Chúng có tải trọng 3 tấn, phù hợp với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Xét cho cùng, trong thực chiến, Su-34 rất ít khi sử dụng tải trọng vũ khí tối đa 8 tấn và loại bom lớn nhất 1,5 tấn mà Su-34 sử dụng, cũng có thể lắp trên UAV.

Nếu S-70 có thể tận dụng hiệu quả khả năng tàng hình và bán kính tác chiến hơn 2.000km, đột phá qua lực lượng phòng không Ukraine, thả bom dẫn đường chính xác và trở về nguyên vẹn thì chúng có thể được coi là tên lửa hành trình tàng hình mang nhiều đầu đạn, có thể tái sử dụng.

Với phương thức tấn công tầm xa rẻ tiền như vậy, tại sao quân đội Nga lại cần đến Su-34?

Vì thế, lần đầu tiên UAV S-70 thực chiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng, rất có thể sẽ cập nhật hoàn toàn tư duy tác chiến mới của Không quân Nga. Đồng thời, cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng trở thành cơ hội để Không quân Nga thoát khỏi mô hình của quân đội của Liên Xô.

Giới phân tích cho rằng, Không quân Nga thời hậu chiến cũng sẽ trưởng thành từ thực chiến và trở thành một lực lượng không quân hiện đại, có năng lực và hiệu quả hơn.

Theo Sina, Top War