Tuyên bố dừng thử vũ khí, Triều Tiên thực sự từ bỏ tham vọng hạt nhân?
(Dân trí) - Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ tuyên bố dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trước thềm cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc có thể ẩn chứa những thông điệp riêng.
Trong phiên họp toàn thể của ban chấp hành đảng Lao động Triều Tiên ngày 20/4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên không cần tiến hành thêm các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa, đồng thời đóng cửa một khu thử nghiệm hạt nhân ở phía bắc của nước này.
“Khu thử nghiệm hạt nhân đã hoàn tất sứ mệnh”, ông Kim Jong-un khẳng định, đồng thời cho biết Triều Tiên sẽ tiến hành “các cuộc tiếp xúc gần gũi và đối thoại tích cực với các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế” nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên được đưa ra chỉ vài ngày trước khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 tới và tiếp đó là hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 5 hoặc tháng 6. Đây đều là những cuộc gặp đầu tiên của ông Kim Jong-un với các lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2011.
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 ngày Triều Tiên cho thấy những tín hiệu “xuống thang” đáng kể so với các tuyên bố cứng rắn trước đây của nước này. Trước đó, Tổng thống Moon Jae-in cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết nào.
Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn đều lên tiếng hoan nghênh động thái tích cực của Triều Tiên. Trong khi Tổng thống Trump nói rằng đây là “bước tiến bộ lớn” và là “tin rất tốt” cho cả Triều Tiên và thế giới, văn phòng Tổng thống Moon Jae-in khẳng định quyết định của Bình Nhưỡng là “bước đi quan trọng tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như thế giới mong đợi”.
Hoàn tất chương trình vũ khí?
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bài phát biểu của ông Kim Jong-un không hề đề cập tới việc dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa mà Triều Tiên đã xây dựng trong những năm vừa qua. Thậm chí, thông báo sau phiên họp của đảng Lao động Triều Tiên cho biết nước này đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa.
“Đây là một tuyên bố được tính toán kỹ lưỡng của Triều Tiên. Bình Nhưỡng không đề cập tới việc phi hạt nhân hóa, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại bằng cách tuyên bố dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa”, Yonhap dẫn lời Shin Beom-chul, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Asan, nhận định.
Jeffrey Lewis, Giám đốc chương trình Chống phổ biến vũ khí Đông Á tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury (MIIS), cho biết tuyên bố của ông Kim Jong-un không có nghĩa là Triều Tiên sẽ xóa bỏ kho vũ khí hạt nhân mà nước này đã phát triển lâu nay hoặc Triều Tiên sẽ dừng các vụ thử hạt nhân mãi mãi. Khu thử hạt nhân vẫn còn đó và chính quyền Kim Jong-un có thể nối lại các vụ thử vào bất kỳ lúc nào. Nếu muốn khu thử này thực sự dừng hoạt động, Triều Tiên phải lấp đầy các đường hầm tại đây.
Theo chuyên gia Lewis, đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên tuyên bố dừng chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng từng hoãn các vụ thử tên lửa trong giai đoạn từ năm 1999-2006. Các nhà máy hạt nhân sản xuất plutonium, nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân, cũng từng được đóng cửa và sau đó tái khởi động lại.
Chuyên gia về kiểm soát vũ khí tại MIIS Melissa Hanham cho biết việc dừng các vụ thử vũ khí có thể là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un đã hài lòng với sự phát triển của chương trình hạt nhân. Mục đích của các vụ thử tên lửa và hạt nhân là để đảm bảo rằng các thiết kế mới của chúng hoạt động ổn định như dự tính. Nếu các thiết kế này không gặp vấn đề gì, Triều Tiên không cần phải thử tiếp.
Chuyên gia Lewis cho rằng chương trình vũ khí của Triều Tiên có thể đã chuyển từ giai đoạn “thử nghiệm” sang “chế tạo”. “Họ đang tích trữ các vũ khí và tên lửa. Họ đã hoàn tất việc thử nghiệm rồi”, Lewis nhận định.
Các bên hoài nghi
Theo New York Times, giới chức Mỹ cũng nhìn nhận sự “xuống thang” bất ngờ của Triều Tiên với thái độ “vừa mừng vừa lo”. Họ cho rằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể là động thái mang tính chiến thuật, đặt Mỹ vào thế phòng thủ trước khi hai nước tiến hành hội đàm về vấn đề vũ khí hạt nhân. Các quan chức Mỹ cho rằng bằng cách chìa ra cành ô liu hòa hoãn như vậy, Triều Tiên đang gây sức ép lên Mỹ, buộc nước này phải chấp nhận một thỏa thuận trước khi ông Kim Jong-un đồng ý từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Không chỉ giới chức Mỹ, các quan chức Nhật Bản cũng tỏ ra cảnh giác với sự thay đổi bất ngờ của Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết những tuyên bố của Bình Nhưỡng là “chưa đủ” vì vẫn chưa thể hiện rõ rằng nước này dừng các vụ thử tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn có thể tấn công lãnh thổ Nhật Bản. Ông Onodera cũng cho rằng chặng đường từ việc dừng thử vũ khí cho tới phi hạt nhân hóa còn rất xa.
“Điều cộng đồng quốc tế mong đợi là Triều Tiên phải từ bỏ toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo. Đây chưa phải là thời điểm để cộng đồng quốc tế nới lỏng sức ép, mà chúng ta phải tiếp tục gây sức ép để buộc họ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa”, Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh.
Các nhà phân tích trong khu vực hiện vẫn chia rẽ sâu sắc về động cơ của Triều Tiên. Một số ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể muốn sử dụng các cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc để “câu giờ” và giảm sức ép trừng phạt, thay vì thực lòng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, theo một số ý kiến khác, ông Kim Jong-un cuối cùng sẽ chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu ông nhận được những tín hiệu tích cực như sự bảo đảm về an ninh, bao gồm hiệp ước hòa bình và mối quan hệ bình thường hóa với Mỹ, cùng với sự viện trợ mà ông đang cần để tái thiết nền kinh tế.
Một số nhà phân tích nhận định các nước nên cẩn trọng với những tuyên bố của ông Kim Jong-un và cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang tìm kiếm điều gì đó để đổi lấy những tuyên bố này.
“Tuyên bố này rất quan trọng, nhưng liệu Triều Tiên có thực sự nghiêm túc hay không vẫn cần phải xem xét. Họ có thể đang tìm kiếm các thỏa thuận theo hướng đình chỉ đổi lấy đình chỉ. Họ đang muốn nới lỏng trừng phạt. Vậy chúng ta sẽ trao cho họ cái gì để họ đình chỉ các vụ thử nghiệm. Triều Tiên không bao giờ đưa ra điều gì miễn phí, vì thế chắc hẳn họ đang mong muốn điều gì đó từ phía chúng ta”, Sue Mi Terry, cựu chuyên gia phân tích Triều Tiên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói.
Từ nhiều năm nay, Triều Tiên vẫn theo đuổi chính sách “byungjin”, trong đó kết hợp phát triển cùng một lúc cả quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới đây, ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đã trở thành một đất nước vững mạnh, theo đó “đảng và nhà nước Triều Tiên sẽ tập trung vào việc phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”.
Theo Martyn Williams, chuyên gia phân tích về Triều Tiên, đây là “dấu hiệu cho thấy sự tự tin của ông Kim Jong-un vào vị thế của Triều Tiên trong khu vực hiện nay”. Điều này có thể giúp ông đạt được lợi thế hơn trước khi bước vào bàn đàm phán với các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc.
“Sau các vụ thử hạt nhân thành công, ông Kim Jong-un rõ ràng tin rằng ông đang ở vị thế có sức mạnh và hiện đã tồn tại cân bằng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên”, chuyên gia Williams nói với Telegraph.
Thành Đạt
Tổng hợp