1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tượng vàng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gây tranh cãi ở Đức

(Dân trí) - Bức tượng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xuất hiện trong một triển lãm nghệ thuật ở Đức đã vấp phải hàng loạt ý kiến trái chiều từ những người ủng hộ và phản đối ông Erdogan.


Tượng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức (Ảnh: AFP)

Tượng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức (Ảnh: AFP)

Ngày 27/8, tại thành phố thủ phủ của bang Hessen, Wiesbaden, bức tượng vàng của ông Erdogan xuất hiện tại một quảng trường, trong khuôn khổ triển lãm nghệ thuật quy mô lớn Wiesbaden được tổ chức 2 năm một lần, dự kiến kết thúc vào ngày 2/9 tới.

Bức tương nặng khoảng 2,75 tấn, màu vàng được đưa tới trưng bày vào ngày 27/8. Ngay sau khi xuất hiện, bức tượng đã gây ra hàng loạt tranh cãi.

Ngày 28/8, những người ủng hộ và người phản đối ông Erdogan đã tới trước bức tượng và đấu khẩu nảy lửa giữa hai phe đã xảy ra. Phía cảnh sát cho biết hai bên chủ yếu cãi cọ, tranh luận nhưng không xảy ra bạo lực. Tuy nhiên, báo Wiesbadener Kurier trích lời người đứng đầu bộ phận quản lý trật tự công cộng địa phương Oliver Franz cho biết những màn đấu khẩu có thể leo thang thành bạo lực vì phía cơ quan này phát hiện một số người đã mang theo vũ khí.

Ngay ngày đầu tiên xuất hiện, bức tượng đã bị bôi bẩn và phá hoại bằng sơn. Sự xuất hiện của bức tượng đã gây ra những cuộc tranh luận không dứt trên mạng xã hội với những thông điệp ủng hộ cũng như chỉ trích chính sách của ông Erdogan.

Mặc dù vậy, ban đầu chính quyền thành phố Wiesbaden quyết định vẫn giữ bức tượng trưng bày cho tới hết ngày 2/9 vì bức tượng không nhằm tuyên truyền chính trị và vẫn nằm trong phạm vi “tự do nghệ thuật”. Giới chức thành phố thừa nhận rằng trước đó họ đã cấp phép trưng bày bức tượng hình người, nhưng bất ngờ khi biết đó là ông Erdogan. Người tổ chức triển lãm thừa nhận, ông cố tình không đề cập tới ông Erdogan khi nộp hồ sơ xin phép trưng bày tượng.

Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi rõ rệt sau vụ đảo chính thất bại ở Ankara hồi tháng 7/2016. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Đức đã cấp quyền tị nạn chính trị cho những người chủ mưu cuộc đảo chính, còn Berlin lại chỉ trích việc Ankara bắt giữ nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Hoàng

Theo Sputnik