Tưởng niệm nạn diệt chủng Do Thái tại Việt Nam
(Dân trí) - Ngày 24/1, “Ngày tưởng niệm Holocaust”, tưởng niệm khoảng 6 triệu nạn nhân của cuộc diệt chủng Do Thái vào Thế chiến II, đã được diễn ra trong không khí trang nghiêm và cũng đầy xúc động tại trường đại học KHXH&NV tại Hà Nội.
Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, phát biểu tại sự kiện "Ngày tưởng niệm Holocaust" tại đại học KHXH&NV ở Hà Nội ngày 24/1.
“Ngày tưởng niệm Holocaust” được Liên hợp quốc chỉ định vào ngày 27/1 hàng năm, theo nghị quyết 60/7 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2005, do đây cũng là ngày giải phóng trại Auschwitz-Birkenau, trại giết người lớn nhất của quân Phát xít.
Vào năm 1935, Luật Nuremberg ra đời ở nước Đức Quốc Xã đã tước bỏ quyền công dân và tất cả các quyền dân sự khác của người Do Thái, mở đầu cho các cuộc thảm sát từ năm 1938 kéo dài đến đầu năm 1945, khiến cho khoảng 6 triệu người Do Thái và nhiều nhóm sắc tộc khác thiệt mạng ở nhiều nước châu Âu như Đức, Ba Lan, Hungary... |
Các câu chuyện về những người giải cứu là khác nhau nhưng mỗi người đều chia sẻ một điều chung: đó là dũng khí, sự cảm thông và lãnh đạo tinh thần. Nhiều người đã trở thành biểu tượng nổi bật, như Raoul Wallenberg, nhà ngoại giao Thụy Điển đã giúp hàng chục ngàn người Do Thái ở Budapest.
Họ cũng có thể là những người bình thường, như trường hợp ông Paul Nguyễn Công Anh, một người gốc Việt di cư sang Paris, Pháp, được bà Orit Margaliot, viện bảo tàng Yad Vashem của Israel, nhắc đến trong bài giới thiệu và trao đổi về Holocaust. Năm 2007, ông đã được bảo tàng Yad Vashem công nhận là Anh hùng dân tộc Israel vì đã không quản khó khăn, mạo hiểm, che giấu và bảo vệ không chỉ cho vợ con mà còn những người thân của vợ, là những người Do Thái, thoát khỏi nạn diệt chủng của Phát xít. Và ông Paul Nguyễn chỉ là một trong số 24.250 người được Israel công nhận là Anh hùng dân tộc vì đã liều cả mạng sống của mình để cứu người Do Thái.
Phát biểu tại sự kiện, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, cho biết, quy mô tàn phá của nạn diệt chủng thật là khủng khiếp. Vì vậy mà theo bà hôm nay không chỉ để dành cho tưởng niệm, hôm nay còn dành cho sự cảnh giác, để bảo vệ những ký ức vĩnh hằng về Holocaust, và cùng lúc đó làm mới lại sự cam kết của chúng ta về quyền con người và hiểu biết lẫn nhau.
Vũ Quý