Cơn ác mộng của các nhà kiến trúc sư châu Âu rằng một đất nước sẽ rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có vẻ gần với hiện thực.
Với 61,39% trong tổng số 65% số phiếu được kiểm trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 5-7 nói “Không” với kế hoạch cải cách, Hy Lạp đã bước một chân ra khỏi Eurozone với một tương lai u ám.
Đối với hàng triệu người dân Hy Lạp, kết quả này cũng chính là một thông điệp gửi đến các chủ nợ quốc tế về sự tức giận của họ. Hy Lạp sẽ không thể chấp nhận cái vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại của chính sách "thắt lưng buộc bụng" nữa. Sự hà khắc này đã để lại cho Hy Lạp những gì? Hàng triệu người không có việc làm, nền kinh tế thì kiệt quệ. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thậm chí đã lên án cái giá phải trả cho cứu trợ chính là những “tối hậu thư”, chẳng khác nào một sự “sỉ nhục” với quốc gia.
Vì lẽ đó, kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 5-7 được xem là chiến thắng quyết định của Thủ tướng Tsipras, người đã đánh cược tương lai của chính phủ liên minh 5 tháng tuổi cũng như quốc gia của ông, trong một trò chơi “được ăn cả, ngã về không” với các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp, bao gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Kết quả này cho thấy quan điểm của chính phủ và người dân Hy Lạp là rất rõ ràng. Đó là quốc gia này không thể tiếp tục các chính sách “thắt lưng buộc bụng” hà khắc của bộ ba chủ nợ quốc tế khiến nền kinh tế của xứ sở thần thoại lún sâu vào suy thoái trong suốt 5 năm qua. Châu Âu cần phải đưa ra một đề nghị rộng rãi hơn cho Hy Lạp để nước này có cơ hội quay trở lại với tăng trưởng, qua đó có khả năng trả nợ.
Việc người dân Hy Lạp nói “Không” với các điều kiện cứu trợ của các định chế tài chính đã giúp chính phủ nước này có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán với các chủ nợ. Hy Lạp có thể đưa ra các đề xuất theo hướng giải quyết món nợ khổng lồ của nước này theo hướng có lối thoát khả dĩ. Thủ tướng Tsipras kỳ vọng rằng, “lợi thế” trên sẽ buộc các chủ nợ xóa 30% tổng số tiền nợ và lùi thời hạn trả phần còn lại thêm 20 năm nữa.
Thế nhưng, sự lạc quan của ông Tsipras có vẻ hơi vội vàng, thậm chí chiến thắng này không có tác dụng nhiều trong việc thuyết phục các chủ nợ rằng ông Tsipras là một đối tác đàm phán đáng tin cậy và có khả năng thực thi thỏa thuận.
Thực tế cho thấy rằng, trong suốt 5 năm qua, EU đã quá mệt mỏi vì cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp nổ ra vào cuối năm 2009, suýt chút nữa đã làm tan rã Eurozone. Hơn thế nữa, những cuộc đàm phán về vấn đề nợ công của Hy Lạp nhiều tháng qua cũng không mang lại kết quả khả quan nào, thậm chí càng làm cho mối quan hệ giữa Hy Lạp với EU thêm chia rẽ sâu sắc.
Người dân tại thủ đô Athens mừng chiến thắng sau kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chỉ có một lối duy nhất hiện nay để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này, đó là các bên tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán. Hiện nay, thời gian không ủng hộ Thủ tướng Tsipras và các nhà lãnh đạo châu Âu bởi khủng hoảng tại Hy Lạp đã trở nên tồi tệ.
Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ xóa sạch những gì đã đạt được sau 34 năm hòa nhập với kinh tế châu Âu. Gói cứu trợ quốc tế, theo đó Hy Lạp đã nhận được gần 240 tỷ euro, đã hết hạn vào ngày 30-6 vừa qua và Hy Lạp không thể thanh toán nợ cho IMF. Nếu không có trợ giúp từ các định chế tài chính, các ngân hàng Hy Lạp sẽ khó có thể mở cửa trở lại, trong khi các nhà nhập khẩu lo ngại về khả năng thanh toán và người già có thể không nhận được tiền lương hưu.
Trong khi đó, các chủ nợ quốc tế cũng không thể mạnh tay vung tiền cứu Athens thoát khỏi cảnh vỡ nợ khi mà quốc gia này vẫn từ chối “đơn thuốc” của các định chế tài chính. Có thể trong các cuộc đàm phán sắp tới, châu Âu sẽ rộng tay “cứu” Hy Lạp, song cũng có thể không.
Vấn đề hiện nay là các nhà lãnh đạo châu Âu có muốn quyết ép Hy Lạp đến cùng để “giết gà dọa khỉ” hay không. Bởi ngoài Hy Lạp, các nước khác trong Eurozone như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý cũng đang chật vật với khủng hoảng nợ.
Nếu châu Âu nương tay với Hy Lạp, rất có thể các nước đang gặp khó khăn khác cũng vùng lên đòi chống lại các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” ngặt nghèo. Chỉ cần cử tri các nước này “quậy” giống như Hy Lạp là có thể họ sẽ giành được một thỏa thuận rộng rãi hơn từ châu Âu. Đó là nguy cơ các nhà lãnh đạo Đức, Pháp-các quốc gia đầu tàu châu Âu-coi là tối kỵ.
Vì thế, một cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ được dự báo là rất cam go đang ở phía trước.
Nếu đàm phán không thành công, Hy Lạp sẽ đi đến thảm kịch, đó là ra khỏi Eurozone, chấm dứt “cuộc hôn nhân” 14 năm giữa nước này với Eurozone. Một tương lai u ám đang đến rất gần với xứ sở thần thoại!