1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tương lai nào dành cho nữ Tổng thống Brazil?

(Dân trí) - Với sự cáo buộc “làm đẹp” số liệu thống kê, Tổng thống Dilma Vana Rousseff đã bị Hạ viện Brazil quyết định đưa ra luận tội với số phiếu 367/513 nghị sĩ tán thành hôm 17/4.


Tổng thống Dilma Vana Rousseff (Ảnh: BBC)

Tổng thống Dilma Vana Rousseff (Ảnh: BBC)

Theo quy trình việc bỏ phiếu tại Thượng viện sẽ diễn ra vào đầu tháng 5, trong trường hợp có 41/81 nghị sĩ tại Thượng viện tán thành thì bà Roussef sẽ buộc phải rời nhiệm sở trong 180 ngày và Phó tổng thống Michel Temer sẽ tạm quyền trong thời gian Tổng thống bị luận tội.

Nếu khả năng đó xảy ra, đây sẽ là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Khiến giới nghiên cứu và dư luân quan tâm và đặt câu hỏi, tương lai nào dành cho bà Tổng thống?

Đằng sau lý do “làm đẹp” con số

Bà Rousseff bị cáo buộc là đã “làm đẹp” số liệu thống kê để phục vụ cho cuộc vận động tái cử Tổng thống năm 2014. Hạ viện còn cáo buộc nữ Tổng thống này đã vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014 và đã sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách mà không có sự đồng ý của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo giới quan sát thì lý do chính là trong quốc hội Brazil đã có những thế lực dính líu quá sâu vào tham nhũng và không muốn bà Rousseff thẳng tay chống tham nhũng đối với họ.

Cùng với những khó khăn kinh tế, những vụ bê bối tham nhũng khổng lồ bị phanh phui hồi tháng 3/2014 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) đã đẩy tình hình chính trị tại Brazil càng rơi vào bế tắc.

Theo thống kê, đường dây tham nhũng này đã dùng tới gần 4 tỷ USD để hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức, đã làm mất uy tín của Tổng thống Rousseff cùng Đảng Lao động (PT) của bà trong suốt thời gian 13 năm vừa qua ở Brazil.

Điều tồi tệ đã xẩy ra, sau khi đảng Phong trào Dân chủ của Phó Tổng thống Michel Terner chấm dứt 13 năm liên minh cầm quyền với Đảng Lao động và chuyển hẳn sang phe đối lập, vì thế việc phế truất bà Rousseff là không mấy khó khăn cả ở lưỡng viện.

“Phản pháo” khó thành

Tổng thống Rousseff ngày 18/4 lên tiếng khẳng định, những cáo buộc của phe đối lập chống lại bà là hoàn toàn vô lý bởi các Tổng thống trước đây cũng từng làm như vậy và chưa bao giờ bị đưa ra xét xử vì vi phạm pháp luật vì trên thực tế đây chỉ là những con số báo cáo mang tính kỹ thuật.

Bà Rousseff cho rằng những gì đã và đang diễn ra có vẻ là một quy trình hợp pháp nhưng thực chất chỉ là vỏ bọc để phá hoại nền dân chủ của Brazil, không hề có cơ sở và đây là một cuộc đảo chính. Bà tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền dân chủ cũng như chống lại “âm mưu đảo chính” của phe đối lập.

Được biết, ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 4 năm từ ngày 1/1/2015, Tổng thống Rousseff đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Nền kinh tế Brazil tăng trưởng âm (-3,8%), mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua và dự báo kinh tế của quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này sẽ tiếp tục suy thoái ở mức âm (-3,6%), mức tồi tệ nhất trong gần 9 thập kỷ của quốc gia này kể từ thập niên 1930.

Bất lợi hơn cho Tổng thống Rousseff là sự rạn nứt trầm trọng trong quan hệ giữa bà và phó Tổng thống Michel Temer, người “kề vai sát cánh” đã rút khỏi liên minh cầm quyền ngày 23/3 vừa qua, ông Temer còn cho người của PMDB đăng tải một đoạn băng với nội dung dường như bà Rousseff đã bị phế truất vào ngày 11/4, thời điểm nhạy cảm trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện.

Tổng thống Brazil, bà Roussef ngày 19/4 đã cảnh báo phe đối lập rằng việc phế truất bà sẽ không mang lại sự ổn định chính trị cho quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này, nhưng tham vọng của ông Terner trở thành người kế nhiệm Tổng thống Brazil là khó có thể dừng lại.

Mặc dù quy trình pháp lý từ nay đến thời điểm đó còn dài nhưng một khi quá trình phế truất Tổng thống được khởi động như hiện nay thì cơ may thoát hiểm lần này để bà Rousseff có thể tiếp tục cầm quyền hết 3 năm còn lại của nhiệm kỳ thứ hai vô cùng mong manh.

Vì thế, giới nghiên cứu dự báo và dư luận cho rằng, cơ may đối với bà Rousseff là rất hiếm, khi phe đối lập đã chiếm đa số, nhất là việc chính quyền của bà đã đánh mất niềm tin đối với người dân, và tương lai của Brazil - quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này hiện đang rất khó đoán định.

Nguyễn Nhâm