1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Htin Kyaw - Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar:

Tương lai không dễ dàng

Mặc dù Myanmar đã có tổng thống dân sự đầu tiên sau nhiều thập kỷ nhưng những thách thức và khó khăn vẫn đang còn ở phía trước, đặc biệt là sau thời điểm Đảng NLD chính thức nắm chính quyền vào ngày 1-4 tới đây.

Mới đây, Quốc hội Myanmar đã bầu ông Htin Kyaw (69 tuổi), ứng viên của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), làm tổng thống mới. Nhân vật này là bạn thiếu thời và là cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo NLD Aung San Suu Kyi.

Trong bối cảnh Hiến pháp của Myanmar hiện nay không cho phép bà Suu Kyi lên nắm quyền do có yếu tố người thân là người nước ngoài, thì việc ông Htin Kyaw trở thành tổng thống được coi là giải pháp “hai trong một”, hoàn toàn có lợi cho toàn đảng cầm quyền. Từ đây, người dân Myanmar tin rằng các quyết sách, đường lối đổi mới và cải cách mà Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ cam kết khi tranh cử sẽ tiếp tục được thực hiện, đáp ứng được kỳ vọng về một xã hội đổi thay.

Mặc dù Myanmar đã có tổng thống dân sự đầu tiên sau nhiều thập kỷ nhưng những thách thức và khó khăn vẫn đang còn ở phía trước, đặc biệt là sau thời điểm Đảng NLD chính thức nắm chính quyền vào ngày 1-4 tới đây.

Đó là yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế ốm yếu, xây dựng một xã hội hòa bình đa sắc tộc hay xử lý tình trạng xung đột vũ trang. Đây đều là những nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi những chính sách khéo léo trong bối cảnh thực tế không dễ hóa giải: quân đội vẫn nắm trong tay rất nhiều quyền lực.

Cải cách khó khăn

Chỉ trong vài tháng, cái tên Htin Kyaw đã trở thành tâm điểm của truyền thông khi ông sẽ trở thành lãnh đạo dân sự đầu tiên của Myanmar trong vòng hơn 50 năm qua. Theo kế hoạch, ông Htin Kyaw sẽ lựa chọn nội các mới và đảm nhiệm công việc điều hành chính phủ từ Tổng thống mãn nhiệm Thein Sein từ đầu tháng 4-2016.

Ông Htin Kyaw sinh ra trong gia đình có truyền thống chính trị, là con trai của một đảng viên NLD kỳ cựu. Với tấm bằng kinh tế, ông Htin Kyaw được đánh giá là người có khả năng điều hành và sớm bước vào sự nghiệp chính trị khi vợ ông, Su Su Lwin, cũng từng là một nghị sỹ của NLD tại Quốc hội.

Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar Htin Kyaw (trái) và nhà lãnh đạo đảng NLD Aung San Suu Kyi.
Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar Htin Kyaw (trái) và nhà lãnh đạo đảng NLD Aung San Suu Kyi.

Có thể nói, Htin Kyaw là một sự lựa chọn xuất sắc, có uy tín, trung thành với hệ thống tư tưởng và quan điểm rõ ràng. Trong nội bộ NLD, ông Htin Kyaw được đánh giá là một đồng minh thân cận có mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với bà Aung San Suu Kyi. Ông từng học với nữ chính trị gia này trước khi bà giành học bổng du học tại Anh. Ngoài ra, Htin Kyaw cũng là quan chức điều hành cấp cao quỹ từ thiện mang tên người mẹ của bà Aung San Suu Kyi.

Từ vị trí này, ông Htin Kyaw đã có được sự tôn trọng của nhiều thành viên NLD - những người đã trải qua nhiều năm hoạt động khó khăn trước khi có thể trở thành nghị sỹ như hiện nay.

Sự chiến thắng của Đảng NLD tạo nên một tín hiệu tích cực trong dư luận Myanmar. Chính quyền Htin Kyaw nhận được nhiều sự ủng hộ, nhưng đi kèm với đó là sức ép đến từ nhiều vấn đề cấp bách đòi hỏi những giải pháp sáng suốt. Trước hết, quyền lực của chính phủ mới sẽ bị cắt giảm đáng kể bởi khối quân sự trong Quốc hội hiện đang nắm quyền kiểm soát những bộ ngành quan trọng nhất.

Ông Htin Kyaw và bà Aung San Suu Kyi cần phải ý thức được rằng, không thể tiếp tục để quân đội kiếm cớ can thiệp vào tiến trình dân chủ của quốc gia. Chính phủ mới còn phải tìm cách xóa bỏ dần những ưu đãi mà các công ty của quân đội Myanmar vẫn được hưởng. Ông Htin Kyaw sẽ phải rất khéo léo trong mối quan hệ với phe quân sự, mà trong suốt nhiều năm vẫn là đối tác trực tiếp của nhiều đơn vị đầu tư lớn.

Tiếp đó, nền kinh tế Myanmar ngày càng đi xuống, đồng nội tệ sụt giảm mạnh giá trị, vấn đề nghèo đói, mức sống và chất lượng giáo dục yếu kém ở các vùng nông thôn vẫn chưa có hướng giải quyết nào cụ thể. Trên 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ với 1 USD/ngày, cùng lúc đó hơn 50% học sinh tiểu học không có khả năng học tiếp lên trung học.

Do dự luật cải cách giáo dục đã bị mắc kẹt tại Quốc hội kể từ năm 2015 nên đây được kỳ vọng sẽ là một chương trình nghị sự quan trọng của chính phủ mới. Và người dân cũng không muốn chứng kiến trường học bị đóng cửa vì bất cứ lý do chính trị nào.

Tuy nhiên, nhiệm vụ cấp bách nhất đặt lên vai chính quyền Htin Kyaw là phải xây dựng một xã hội hòa bình đa sắc tộc. Trong các cuộc bầu cử, Đảng Quốc gia Arakan (ANP) cánh hữu cực đoan đã giành được số ghế đáng kể ở bang Rakhine, thuộc vùng duyên hải phía đông nam Myanmar. Uy lực của ANP sẽ tạo ra thách thức không nhỏ trong việc mang lại hòa bình và phát triển cho khu vực này.

Dự án đập thủy điện Myitsone và mỏ đồng ở Letpadaung là những “mảnh xương” khó nuốt nhất trong quan hệ ngoại giao, đối tác thương mại với Trung Quốc.
Dự án đập thủy điện Myitsone và mỏ đồng ở Letpadaung là những “mảnh xương” khó nuốt nhất trong quan hệ ngoại giao, đối tác thương mại với Trung Quốc.

Ngoài ra, nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya bị tước đoạt quyền công dân đang sống mòn mỏi, tiều tụy trong các lán trại. Trong khi đó, ở miền Bắc Myanmar, tiến trình hòa bình đã bị phá vỡ ở bang Shan khi các nhóm phiến quân Shan tấn công làng mạc, bắt cóc trẻ em để đào tạo và bổ sung cho lực lượng của mình. Thế nên, tìm kiếm được sự hòa hợp và cân bằng lợi ích giữa các khu vực quả thực là một thách thức khó khăn và lâu dài đối với chính quyền Htin Kyaw.

Ngoại giao thận trọng

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Myanmar. Quan hệ rất tế nhị với Bắc Kinh sẽ là một trong những bài toán khó đối với ông Htin Kyaw (và cả bà Aung San Suu Kyi). Trên phương diện ngoại giao, “mảnh xương” khó nuốt nhất chính là dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,5 tỉ USD ở bang Kachin (miền Bắc Myanmar).

Dự án này bị Tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein đình chỉ vào tháng 9-2011 sau khi ông lên cầm quyền, với lý do người dân phản đối quyết liệt vì gây nguy hiểm cho môi trường cùng lo ngại là đập thủy điện này được xây ở khu vực có nguy cơ động đất.

Tuy nhiên, ông Thein Sein chỉ tạm dừng dự án trong nhiệm kỳ của mình nên vào cuối tháng 3-2016, Đảng NLD phải đưa ra câu trả lời rõ ràng, quyết định số phận của Myitsone. Nếu cho dự án này sống lại, chính quyền Htin Kyaw sẽ hứng chịu những chỉ trích về uy tín, năng lực từ phía người dân. Tuy nhiên, “thủ tiêu” luôn dự án lại đồng nghĩa với việc Myanmar phải bồi thường không nhỏ cho Trung Quốc, kéo theo đó là những hệ lụy chính trị.

Dự án Myitsone là ví dụ điển hình cho mối quan hệ khó xử với Trung Quốc, bởi dù Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar thì ngay cả quân đội Myanmar cũng không muốn “dựa hơi” Trung Quốc quá nhiều.

Ngoài dự án đập thủy điện Mytisone, một bài toán khác cũng đang chờ đón chính phủ mới liên quan dự án mỏ đồng ở Letpadaung (miền Trung Myanmar), liên doanh giữa Công ty Vạn Bảo của Trung Quốc với một công ty của quân đội Myanmar. Mỏ đồng này đã trở thành một biểu tượng đấu tranh kể từ sau vụ đàn áp năm 2012, khi lực lượng an ninh Myanmar dùng đạn có chứa chất độc hại bắn vào những người dân địa phương biểu tình phản đối. Dự án này đánh dấu thời điểm mà chính quyền quân sự trưng thu đất đai, phá hoại môi trường và đàn áp dã man người biểu tình.

Sau vụ đàn áp biểu tình năm 2012 ở mỏ đồng Letpadaung, một nhóm nghị sĩ đối lập ở Quốc hội đã tiến hành điều tra vụ việc này. Báo cáo kết quả đã “bật đèn xanh” cho mỏ đồng tiếp tục hoạt động, gây phẫn nộ cho người dân địa phương và các nhà hoạt động môi trường.

Cho đến cuối tháng 2-2016, phía Vạn Bảo chính thức đưa ra tuyên bố vẫn sẽ bắt đầu khai thác đồng ở mỏ Letpadaung vào tháng 5, cho dù người dân địa phương phản đối và Đảng NLD lên cầm quyền. Đây được coi như một phát ngôn “cảnh cáo”, có phần ngụ ý chính phủ mới nên tôn trọng và ủng hộ mọi hoạt động từ phía công ty.

Rõ ràng, tương lai chính trị ngoại giao của Myanmar sắp tới là không hề dễ dàng, khi cạm bẫy giăng ở mọi lối đi. Vạn Bảo, hay Mytisone, chỉ là những hạt bụi rất nhỏ trước mọi nỗ lực “quét sạch bụi” để sắp xếp lại quan hệ với láng giềng với Trung Quốc. Chính quyền Htin Kyaw tiếp tục phải đối mặt với nhiều rắc rối tiếp tục nảy sinh khi cuộc tranh đua đầu tư giữa Bắc Kinh và Tokyo dần trở nên gay cấn.

Hiện nay, Bắc Kinh đang tăng tốc thúc đẩy đặc khu kinh tế Kyaukpyu nằm ở bờ biển tây nam Myanmar, với tổng vốn hơn 10 tỉ USD, tạo nên một khu hậu cần và gia công khoáng sản lớn, từ đó làm bước đệm cho kế hoạch “một vành đai, một con đường”. Tuy nhiên, tham vọng này đang vấp phải sự cạnh tranh ngày càng lớn của Tokyo khi vốn đầu tư hàng tỷ Yên được rải khắp các khu vực hạ tầng ở Myanmar…

Theo Nam Hồng

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm