1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tương lai bấp bênh của những người nhập cư DACA tại Mỹ

(Dân trí) - Đối với một bộ phận người nhập cư Mỹ, ngày 5/9 có lẽ là ngày định mệnh đối với họ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chấm dứt chương trình Tạm hoãn trục xuất những trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA), một di sản của người tiền nhiệm Barack Obama.

Dòng người biểu tình phản đối chính quyền ông Trump bãi bỏ DACA ngày 6/9. (Ảnh: Reuters)
Dòng người biểu tình phản đối chính quyền ông Trump bãi bỏ DACA ngày 6/9. (Ảnh: Reuters)

Làn sóng chỉ trích sau khi Tổng thống Trump hủy bỏ DACA

Trong một phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump phân trần rằng ông buộc phải đưa ra quyết định như vậy, bởi có hàng triệu người Mỹ khác không được đối xử công bằng so với những người nhập cư hợp pháp. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cũng nhận định rằng số người Mỹ thất nghiệp hoặc không có việc làm tăng lên một phần là do chương trình DACA khi những người nhập cư lấy đi các cơ hội việc làm của những người gốc Mỹ.

Bãi bỏ di sản dưới thời ông Obama, chính quyền ông Trump đã cho quốc hội 6 tháng để quyết định số phận của những người di cư bất hợp pháp theo chương trình DACA.

Quyết định của Tổng thống Trump đã ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích của dư luận và xã hội. Các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra trước Nhà trắng và trụ sở Bộ Tư pháp. Nhiều nghị sĩ ở cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, các doanh nhân, học giả và những nhà hoạt động đã chỉ trích động thái này của ông Trump.

Họ cho rằng động thái này của Nhà Trắng thể hiện tầm nhìn chưa đủ sâu rộng đối với vấn đề người nhập cư trẻ tuổi, và cảnh báo thậm chí điều này còn có thể ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Mỹ.

Cựu Tổng thống Obama đã ngay lập tức lên tiếng phản đối quyết định chính quyền kế nhiệm, gọi là đó là hành động “sai trái” và "tàn nhẫn".

“Nhắm vào những người trẻ này là sai trái vì họ không làm gì sai”, ông Obama viết trên Facebook.

“Đây là một vấn đề đạo đức cơ bản. Đây là chuyện liệu chúng ta là những người muốn đẩy những trẻ mang nhiều khát vọng ra khỏi nước Mỹ, hay chúng ta muốn đối xử với họ theo cách thức muốn con cái chúng ta được đối xử”, ông Obama nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump và kêu gọi phe Cộng hòa đa số trong quốc hội phối hợp với các thành viên đảng Dân chủ để bảo vệ các di dân trong chương trình DACA.

Tương lai chưa thể đoán định của những người nhập cư bất hợp pháp trẻ tuổi


Camacho Perez và mẹ (Ảnh: ABC News)

Camacho Perez và mẹ (Ảnh: ABC News)

Với những người nhập cư trẻ tuổi, họ đang phải đối mặt với sự hoang mang về tương lai.

Cô Camacho Perez được mẹ đưa từ Mexico tới Mỹ bất hợp pháp khi cô mới 7 tuổi. Cha và hai anh trai của cô đã vượt biên. Cả gia đình họ đã trốn qua nước Mỹ mà không có giấy tờ hợp lệ.

Cô chia sẻ: “Giống như thế giới của bạn đang bị phá hủy, ước mơ của bạn, sự tự do, dường như tất cả đã sụp đổ. Cha mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều cho tôi, cho những người anh em của tôi. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nữa”.

“Chúng tôi được đưa đến đây từ nhỏ, đó không phải là lỗi của những người như tôi. Đây là nhà của chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh vì nó. Chúng tôi xứng đáng được ở lại Mỹ”, Camacho Perez chia sẻ.

Mẹ của Perez, bà Magdalena, cho biết bà rất buồn với quyết định của Tổng thống Trump. Bà cho biết đã quyết định đưa cả gia đình tới Mỹ vì mong muốn sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn với nền giáo dục tiên tiến và những cơ hội việc làm tốt hơn.

Ngoài ra, những người nhập cư như cô Perez còn lo lắng rằng khi điền vào hồ sơ đăng ký chương trình DACA, họ đã khai nhiều thông tin cá nhân và họ băn khoăn rằng liệu những thông tin ấy có được dùng để chống lại chính họ hay không.

Hoang mang là tâm trạng chung cho những người nhập cư trẻ tuổi bởi vì một lần nữa họ lại không thể tự quyết định số phận của mình và phải phụ thuộc vào quyết định khó lường trước của Tổng thống Trump. BBC ngày 9/10 đã đăng tải một video phỏng vấn một số người nhập cư trẻ tuổi về "giấc mơ Mỹ" của họ.

Hogo Gonzalez, một người nhập cư trẻ tuổi không có giấy tờ hợp pháp, cho biết với BBC: “Tôi vừa mua một căn nhà cho vợ và ba con ở. Nước Mỹ thực sự là nhà của tôi, tôi đã giành phần lớn thời gian cuộc đời của mình ở Mỹ hơn bất kỳ nơi nào khác”.

Xavier Vazquez Baez, người đến Mỹ từ năm 13 tuổi, hiện đang làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ những người nhập cư bất hợp pháp như anh, chia sẻ: “Hãy để chúng tôi được mơ ước như cách mà bố mẹ của chúng tôi hằng mong ước cho những đứa con của mình. Chúng tôi sẽ cống hiến cho nước Mỹ bởi chúng tôi đã nhận được rất nhiều từ đây”.

Chương trình DACA được công bố hồi năm 2012 nhằm cho phép các trẻ em nước ngoài, thuộc diện không có giấy tờ được đưa đến Mỹ trước năm 16 tuổi, được quyền ở lại mà không bị trục xuất khi họ đi học, làm việc hay tham gia vào quân đội. Chính sách này được gia hạn 2 năm/lần.

DACA hiện đang bảo vệ cho gần 800.000 người nhập cư bất hợp pháp khỏi bị trục xuất, tạo ra công ăn việc làm và cơ hội học tập tạm thời cho những người này. Để được xét duyệt vào chương trình DACA, những người dưới 30 tuổi cần làm hồ sơ với thông tin cá nhân nộp cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Họ sẽ được FBI kiểm tra về hồ sơ tiền án tiền sự, cũng như công việc họ đang làm.

Nhờ DACA, hầu hết những người trẻ tuổi bất hợp pháp đến từ Mexico và các nước Mỹ Latinh, hiện có thể làm việc một cách hợp pháp tại Mỹ. Theo CNN, hiện hơn 200.000 người đăng ký chương trình DACA sống ở bang California, khoảng 100.000 người ở bang Texas, phần còn lại rải rác ở New York, Illinois và Florida.

Trần Ban

Tổng hợp