1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tướng Giáp - thiên tài quân sự khiến phương Tây phải cúi mình

(Dân trí) - Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã khiến truyền thông thế giới không khỏi tiếc thương với sự kính trọng cao nhất. Trong đó hãng thông tấn Pháp AFP khẳng định Tướng Giáp chính là “thiên tài quân sự, người khiến phương Tây cúi mình”.

Ngay trong phần đầu bài viết, tác giả Catherine Barton đã khẳng định: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người qua đời ngày thứ Sáu 4/10, được xem như một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử và là kiến trúc sư của những chiến thắng gây chấn động trên chiến trường của Việt Nam trước Pháp và Mỹ”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
“Đứng thứ hai chỉ sau cố lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh với tư cách nhân vật được tôn kính nhất tại Việt Nam thời hiện đại, bài học về quân sự đầu tiên của cựu giáo viên lịch sử đến từ một bài viết trong bách khoa thư cũ về cơ chế hoạt động của lựu đạn cầm tay”, bài báo viết tiếp.

Tác giả còn không khỏi thán phục khi biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, con trai của một học giả nghèo, từ những bài học đầu tiên đó đã trưởng thành để “đánh bại những ông chủ thuộc địa của Việt Nam vào năm 1954 tại Điện Biên Phủ, trận chiến đã chấm dứt sự cai trị của người Pháp ở Đông Dương”.

Gọi Đại tướng Giáp là “người cha sáng lập của Quân đội nhân dân Việt Nam”, bài viết khẳng định chiến thuật chiến tranh du kích của Tướng Giáp đã “truyền cảm hứng cho phong trào chống thuộc địa khắp thế giới”, và ông một lần nữa “đã lãnh đạo các đội quân tới chiến thắng với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975”.

“Khi tôi còn nhỏ, tôi đã có một giấc mơ rằng một ngày tôi sẽ thấy đất nước mình tự do và thông nhất”, Tướng Giáp hồi tưởng trong một buổi phỏng vấn với kênh PBS của Mỹ. “Hôm nay giấc mơ của tôi đã thành hiện thực”.

“Tài năng của tướng Giáp với tư cách một nhà chiến lược đã đưa ông lên ngang hàng với những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại như Công tước Wellington, Ulysses S. Grant và tướng Douglas MacArthur”, bài viết dẫn nhận định của nhà báo Mỹ Stanley Karnow.

Nhưng tác giả còn tỏ ra khâm phục hơn nữa khi khẳng định: “Nhưng không giống như họ, ông có được những thành công của mình nhờ thiên tài bẩm sinh hơn là thông qua đào tạo bài bản”.

Từ lớp học tới chiến trường

Điểm lại chặng đường trước khi đến với binh nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả cho biết đại tướng sinh ngày 25/8/1911 tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam.

Thông thạo tiếng Pháp, ông đã học kinh tế chính trị tại Hà Nội trước khi dạy lịch sử và văn học và làm việc với tư cách một phóng viên.

Trở thành thành viên của Đảng cộng sản Đông Dương, năm 1939 ông đã sang Trung Quốc, nơi ông gặp gỡ Hồ Chí Minh, người đã vạch đường về một cuộc cách mạng trong suốt hàng thập niên lưu đày.

“Vợ của Tướng Giáp, người ở lại quê nhà khi đó với đứa con mới sinh, đã hi sinh trong một nhà tù của Pháp. Sự kiện này đã thôi thúc nhiệt huyết chống thuộc địa của Tướng Giáp”, tác giả nhận định.

Năm 1941, ông trở về Việt Nam cùng với Hồ Chí Minh tại vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam để huấn luyện các chiến sỹ nông dân cách mạng và đồng sáng lập ra Việt Minh.

“Chiến thuật quân sự du kích của Tướng Giáp - vốn nhấn mạnh sự cần thiết của việc được ủng hộ bởi nhân dân và giá trị của những đợt tấn công và rút lui chớp nhoáng, cũng như tinh thần sẵn sàng chiến đấu trường kỳ - đã đánh bại cả quân đội Pháp và Mỹ”, bài viết nhấn mạnh.

Tác giả cũng trích dẫn một nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một cuốn hồi ký rằng: “Chiến tranh du kích là chiến tranh của khối quần chúng đông đảo, đứng lên chống lại một đội quân hiếu chiến hùng mạnh được đào tạo bài bản và trang bị đầy đủ. Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi ngôi làng là một pháo đài”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập ra chính phủ Việt Nam đầu tiên ngày 2/9/1945 và Tướng Giáp trở thành Bộ trưởng nội vụ, tư lệnh quân đội và sau đó là Bộ trưởng quốc phòng.

Nhưng nhà cách mạng này đã bị buộc phải rút lui vào rừng khi quân đội pháp tái áp đặt sự cai trị thuộc địa sau Thế chiến II, mở màn cho cuộc chiến kéo dài 9 năm, kết thúc tại Điện Biên Phủ.

“Đó là thất bại lớn đầu tiên của phương Tây”, bài báo trích lời Đại tướng phát biểu sau cuộc chiến. “Nó đã làm lung lay nền móng của chủ nghĩa thuộc địa và kêu gọi mọi người chiến đấu vì độc lập - đó là sự khởi đầu của sự khai hóa quốc tế”.

Nhấn mạnh vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách tư lệnh quân đội trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tác giả khẳng định việc chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975 đã khiến danh tiếng của Tướng Giáp trên trường quốc tế “gần chạm mức thần thoại”.

Ông được xem như nhà chiến lược bậc thầy và đã cổ vũ cho các phong trào giành độc lập khắp mọi nơi. Để minh chứng cho điều này, tác giả đã dẫn lại lời của Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki năm 2007 khẳng định: “Khi chúng tôi trưởng thành trong cuộc chiến của mình, Tướng Giáp là một trong những anh hùng dân tộc của chúng tôi”.

Sau chiến tranh và kể cả khi đã rời xa chính trường năm 1991, “vị thế của Tướng Giáp với tư cách anh hùng quân đội vĩ đại nhất Việt Nam đương thời” khiến tiếng nói của ông vẫn rất được chú ý.

Thanh Tùng
Theo AFP