1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tượng Đài Bác Hồ trên thành phố quê hương Lenin - Ulianovsk​

Quần thể tượng đài Hồ Chí Minh trên quê hương Lenin sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam - Nga.

Từ nhiều năm nay, trên quê hương của Lenin, thành phố Ulianovsk, LB Nga, đã có bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một Quảng trường nhỏ mang tên Người.

Nay, vào đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 127 của Bác, một bức tượng đồng cao 4 mét đã hoàn thành và chuẩn bị được đưa vào vị trí trang trọng trên Quảng trường đã mở rộng, xây dựng khang trang, đẹp đẽ.

Đây là tâm huyết, là tình cảm của những người con quê hương Việt Nam nói chung và quê hương Nghệ An nói riêng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, dành cho tỉnh Ulianovsk trên mảnh đất đầy tình hữu nghị này.

Ảnh chụp mô hình Quần thể Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh ở thành phố quê hương Lenin Ulianovsk.
Ảnh chụp mô hình Quần thể Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh ở thành phố quê hương Lenin Ulianovsk.

Dự án xây dựng một tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng tầm là đề xuất của Hội người Việt Nam “Đoàn Kết” tại Ulyanovsk và lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Đề xuất này đã được Ban bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ủng hộ và nhanh chóng được khởi công từ ngày 12/6/2015. Và nay, tức là 2 năm sau, toàn bộ công trình đã được hoàn thành về cơ bản.

Theo thiết kế của nhà điêu khắc Nga nổi tiếng Oleg Klyuev, người từng có khá nhiều công trình điêu khắc tượng Lenin và nhiều danh nhân lớn của nước Nga, quần thể tượng đài Hồ Chí Minh gồm bức tượng đồng cao 4 mét, được đặt trên bệ đá hoa cương cao 5 mét, trên quảng trường mới được mở rộng khang trang, giữa một không gian thoáng đãng...

Khi những công đoạn cuối cùng đã gần như hoàn tất, ông Oleg Klyuev mới cảm thấy nhẹ người, nhưng vẫn không khỏi lo lắng. Ông nói: “Tôi đang rất hồi hộp đón chờ phản ứng của khán giả khi tượng đài của Người được khánh thành. Bởi đây là một công trình đầy trách nhiệm. Với công trình này tôi đã có thêm trải nghiệm mới vì được tiếp xúc với Việt Nam, với người Việt Nam, được hiểu hơn về tình cảm họ dành cho hình mẫu Hồ Chí Minh. Đó là một điều rất quan trọng cho việc mở mang kiến thức của mình”.

Nhà điêu khắc Nga - tác giả tượng đài Hồ Chí Minh nói về tình cảm của mình khi tham gia công việc này.
Nhà điêu khắc Nga - tác giả tượng đài Hồ Chí Minh nói về tình cảm của mình khi tham gia công việc này.

Có lẽ, bằng những tình cảm sâu đậm với đất nước, con người Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ông chưa có dịp được gặp, cùng với những câu chuyện cảm động trong quá trình đúc tượng Bác Hồ đã cho ông những cảm nhận như vậy.

Cộng đồng người Việt ở Ulianovsk, đứng đầu là BCH Hội Người Việt Nam “Đoàn Kết” đã rất tích cực, sao sát với công việc đầy ý nghĩa này. Trong mỗi công đoạn làm tượng, từ khâu thông qua thiết kế, làm bản mẫu… đến mỗi lần đổ đồng, đều có sự tham gia của đại diện bà con và BCH Hội.

Vào hồi 13h ngày 13/2/2017 tại TP Tolyatti, tỉnh Samara, lễ đổ đồng bức tượng đã được tổ chức rất trang trọng và gần đây, khi khâu đổ đồng cuối cùng được thực hiện…. bà con đều tham dự rất đông, rất thành kính, dù nơi đó cách thành phố Ulianovsk gần 200 km.

Cảm động hơn, bà con còn tự nguyện thả vào mẻ đồng đúc tượng những chỉ vàng mà mình đã dành dụm, mua được từ những đồng tiền mưu sinh chưa phải dễ dàng gì ở nơi xa xứ. Họ những mong chất lượng của tượng đồng sẽ tốt hơn và cũng là ý nghĩa tâm linh dâng lên Người.

Đông đảo bà con cộng đồng Việt Nam tại Ulianovsk tham gia một công đoạn đúc tượng Bác và đã tự nguyện dâng góp những chỉ vàng vào mẻ đồng được nấu chảy trước khi đổ vào khuôn.
Đông đảo bà con cộng đồng Việt Nam tại Ulianovsk tham gia một công đoạn đúc tượng Bác và đã tự nguyện dâng góp những chỉ vàng vào mẻ đồng được nấu chảy trước khi đổ vào khuôn.

Ông Phùng Văn Dần, một cựu chiến binh đã có nhiều năm sinh sống ở đây, có mặt trong cả hai lần đổ đồng. Rất xúc động, ông nói về tình cảm mà bà con dành cho Bác qua việc làm này: “Đây là tấm lòng của bà con hướng về Tổ quốc, hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tâm của bà con muốn góp thêm một giọt dầu, một nén hương tưởng nhớ đến Bác, thể hiện lòng biết ơn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Bà Natalia Vichtorovna, nhân viên bán hàng cùng người Việt Nam ở một trung tâm thương mại Ulianovsk, sống không xa phố Hồ Chí Minh nên biết khá rõ về những công việc liên quan. Về cảm tưởng của mình với sự kiện này, bà nói: “Công việc xây dựng đã hoàn tất rồi, điều đó thật là tốt. Tôi hiểu rằng, Người mà các bạn gọi là Chủ tịch cũng giống như Lenin của chúng tôi vậy”.

Bà Zina Phormudinova, một cán bộ nghỉ hưu, trước đây công tác xa Ulianovsk nhiều năm, nay lại trở về sinh sống ở đây và nhà bà ở ngay trên phố Hồ Chí Minh, ngày ngày bà đi ngang quảng trường Hồ Chí Minh nên biết rất rõ công việc xây dựng mở rộng quảng trường và đúc tượng mới. Bà cũng đang rất háo hức chờ đón ngày khai trương. Bà nói: “Tôi rất cảm ơn là một quảng trường đẹp hơn, sạch sẽ hơn đã được mở rộng, hoàn thành”.

Quảng trường và bệ đá hoa cương đã sẵn sàng để chuẩn bị đặt Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quảng trường và bệ đá hoa cương đã sẵn sàng để chuẩn bị đặt Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giá trị của quần thể tượng đài Hồ Chí Minh trên quê hương Lenin sẽ là rất lớn khi nó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước nói chung, giữa hai thành phố kết nghĩa Ulianovsk và Nghệ An nói riêng. Quan trọng hơn, nó mang ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với các thế hệ sau, cả người Việt và người Nga, về tình cảm gắn bó hai dân tộc.

Em Phùng Văn Bính, thế hệ “F2” của người Việt đang học tập, làm ăn và sinh sống tại đây cũng rất vui mừng khi thấy bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp được khai trương ở thành phố Ulianovsk.

Em bày tỏ: “Ấn tượng và cảm nghĩ của em, điều đầu tiên em muốn nói là em rất tự hào vì được học tập tại thành phố, nơi sinh ra vị lãnh tụ Vladimir Lenin. Và em còn tự hào hơn nữa bởi tại thành phố này có một đường phố mang tên Hồ Chí Minh và có tượng đài Hồ Chí Minh. Em rất tự hào là người Việt Nam” .

Cùng với quần thể tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng vào dịp này, ở thành phố Ulianovsk, trường phổ thông số 76, nằm cách không xa Quảng trường Hồ Chí Minh, cũng sẽ được mang tên Hồ Chí Minh và tại trường cũng mới xây dựng một “Bảo tàng Hồ Chí Minh” với sự đóng góp rất lớn về vật chất và tinh thần của Hội Người Việt Nam “Đoàn Kết” tại Ulianovsk và cán bộ nhân viên nhà trường.

Bà Liutmila Grechko, Hiệu trưởng nhà trường cho biết về kế hoạch sử dụng công trình này: “Chúng tôi sẽ tổ chức các khóa tham quan tìm hiểu dành cho học sinh mới vào trường để từ cơ sở của bảo tàng này họ học hỏi thêm về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và xa hơn, họ sẽ nghiên cứu về một thiên tài của đất nước các bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Với những công trình và tình cảm dành cho nhân dân Việt Nam, cho Chủ tịch Hồ Chí Minh từ người dân địa phương, từ những người Việt Nam xa xứ… quần thể tượng đài Hồ Chí Minh trên quê hương Lenin sẽ tô thêm vào bức tranh quan hệ hai nước Việt - Nga mảng màu tươi đẹp./.

Theo Điệp Anh-Thành Phương/VOV-Moscow

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm