1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tuần sóng gió chi phối cục diện chính trường Mỹ

Minh Phương

(Dân trí) - Tuần này sẽ quyết định cuộc đua gay cấn giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ và cũng là tuần quyết định ai trở thành tổng thống tiếp theo giữa hàng loạt kiện cáo, khiếu nại.

Tuần sóng gió chi phối cục diện chính trường Mỹ - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng minh tiếp tục theo đuổi nỗ lực thách thức kết quả bầu cử. (Ảnh: Reuters)

Quốc hội Mỹ khóa 117 chính thức tuyên thệ nhậm chức vào hôm qua 3/1 ngay trước tuần đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng đối với chính trường ở xứ sở cờ hoa. Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng, quốc hội khóa này được triệu tập trong một "giai đoạn thách thức".

Ngày 4/1

Đây là ngày làm việc trọn vẹn đầu tiên của quốc hội Mỹ khóa 117, một quốc hội đã có sự thay đổi. Đảng Dân chủ vẫn nắm quyền kiểm soát Hạ viện nhưng thế đa số đã thu hẹp lại so với khóa trước. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tái đắc cử sau một cuộc bỏ phiếu gay cấn hôm 3/1.

Tại Thượng viện, cán cân quyền lực vẫn chưa thể xác định ít nhất cho đến ngày 5/1 sau cuộc đua vòng hai ở bang Georgia.

Ngày 5/1

Cuộc đua ở Georgia vào ngày 5/1 sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện. Nếu cả hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Kelly Loeffler và David Perdue tiếp tục giữ ghế, đảng Cộng hòa sẽ duy trì quyền kiểm soát Thượng viện. Ngược lại, nếu hai ứng viên Dân chủ Jon Ossoff và Raphael Warnock giành chiến thắng, đảng Dân chủ sẽ giành quyền kiểm soát. Các khảo sát ở Georgia gần đây cho thấy, cuộc đua vào Thượng viện ở đây khá sít sao.

Ngày 6/1

Đây là mốc thời gian đang được đặc biệt quan tâm bởi khi đó quốc hội Mỹ họp lưỡng viện để kiểm phiếu đại cử tri, xác nhận kết quả và công bố tổng thống đắc cử - bước cuối cùng của cuộc bầu cử trước khi tổng thống đắc cử dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.

Ít nhất 140 hạ nghị sĩ Cộng hòa được cho là sẽ cùng với hơn 10 thượng nghị sĩ thách thức kết quả bầu cử tại cuộc họp quốc hội vào ngày 6/1. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nỗ lực này cũng không thể làm thay đổi kết quả bầu cử, thay vào đó nó sẽ khiến nội bộ đảng Cộng hòa chia rẽ và tạo tiền lệ rắc rối cho các cuộc bầu cử về sau.

Ngày 7/1

Việc hoàn tất xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri của quốc hội Mỹ có thể kéo dài sang ngày 6/1. Với khiếu nại kết quả ở mỗi bang, Hạ viện và Thượng viện sẽ tranh luận độc lập trong khoảng 2 giờ đồng hồ, sau đó biểu quyết có vô hiệu hóa kết quả ở bang bị khiếu nại không. Chỉ khi có sự chấp thuận của lưỡng viện, kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở một bang nhất định mới bị vô hiệu hóa.

Bất chấp những nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của Tổng thống Donald Trump và các đồng minh, giới quan sát nhận định, cuối cùng ông Joe Biden cũng sẽ chính thức được tuyên bố đắc cử và sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.

Theo kế hoạch được đội ngũ của ông Biden tiết lộ, lễ nhậm chức của ông Biden sẽ được thu gọn. Thay vì diễu hành từ Điện Capitol, ông Biden sẽ được một nhóm nghi thức hộ tống đến Nhà Trắng sau tuyên thệ nhậm chức. Đội ngũ của ông Biden cũng kêu gọi người ủng hộ theo dõi lễ nhậm chức qua truyền hình thay vì đổ về thủ đô Washington giữa đại dịch Covid-19.