1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tuần phán quyết của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc

(Dân trí) - Philippines đang đứng trước giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc, khi Manila bước vào giai đoạn điều trần trong vụ kiện Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông tại Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) ở La Haye, Hà Lan từ ngày 7-13/7.

(Ảnh:
(Ảnh: Rappler)

Theo quan chức tư pháp thuộc Tòa án Tối cao Philippines, Antonio Carpio, người thể hiện quan điểm và lập trường của Manila trong vụ kiện tại PCA, quốc gia này đang yêu cầu tòa án trọng tài tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị. “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc bao phủ tới 85% diện tích Biển Đông, trong đó có 80% diện tích vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, nơi người dân Philippines đã đánh bắt cá từ hàng thế kỷ qua.

Trong khi Trung Quốc thể hiện yêu sách chủ quyền của mình bằng tư liệu lịch sử do chính mình xây dựng thì phía Philippines căn cứ lập trường của mình dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Về phần mình, Trung Quốc là một bên tham gia ký UNCLOS, song những gì mà nước này tuyên bố như “đường 9 đoạn” đang đi ngược lại UNCLOS.

Trong vụ kiện này, chính phủ Philippines yêu cầu PCA xác định rõ tư cách pháp lý của các hòn đảo và bãi đá trên vùng biển Tây Philippines, nhằm tái khẳng định tính chất phi lý của “đường 9 đoạn”.

Trước đó, năm 2013, Manila đã đệ trình đơn kiện của mình lên Tòa PCA và yêu cầu tòa ra phán quyết khẳng định quyền được khai thác các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này ở Biển Đông theo đúng UNCLOS.

Tháng 12/2014, Trung Quốc tuyên bố những tranh chấp lãnh hải của mình với Phillipines là về chủ quyền biển đảo, chứ không phải về hàng hải đơn thuần. Do đó, Trung Quốc không thừa nhận tính pháp lý của PCA trong xử lý vụ kiện này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Philippines Charles Jose cho biết, nếu PCA quyết định họ có quyền tài phán trong vụ kiện này, tòa án sẽ yêu cầu chính phủ Philippines đưa ra những luận điểm của mình trong một thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, ông Carpio tự tin rằng PCA sẽ khẳng định rõ lập trường của Philippines.

Một thành viên khác trong phái đoàn Philippines sang La Haye, Francis Jardeleza cũng tin tưởng rằng họ có thể thuyết phục tòa án quốc tế rằng, vụ kiện này không phải phân định về chủ quyền. Hơn hết, Philippines mong muốn tòa án, dựa trên cơ sở UNCLOS, bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Ông Jardeleza nói: “Ví dụ, chúng tôi không yêu cầu tòa án ra phán quyết bãi cạn Panatag thuộc sở hữu của ai. Cái mà chúng tôi muốn tranh luận là nó nằm trong EEZ của chúng tôi, và theo quy định của UNCLOS, chúng tôi hoàn toàn có đặc quyền đánh bắt cá trong khu vực đó”.

Nếu Philippines không thể thuyết phục tòa án về luận điểm của mình, vụ kiện sẽ kết thúc. Trong trường hợp ngược lại, ngay cả khi Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của PCA trong vụ kiện, thì phán quyết ủng hộ Philippines của tòa án này cũng sẽ tạo ra áp lực quốc tế rất lớn với Trung Quốc trong việc buộc Bắc Kinh tuân thủ các quy định quốc tế.

Ông Carpio khẳng định, vụ kiện giữa Manila và Bắc Kinh sẽ là phép thử đối với cộng đồng quốc tế. Liệu nó có duy trì và bảo vệ luật pháp, hay để mặc Bắc Kinh thoát khỏi những yêu sách chủ quyền phi lý của mình?

Phiên điều trần tại tòa án La Haye diễn ra trong bối cảnh căng thẳng song phương leo thang khi Trung Quốc đẩy nhanh hoạt động tôn tạo các cở sở và công trình trên biển Đông, trong đó có hoạt động xây dựng tại khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền.

Ngọc Yến