Tư nhân khởi động "cỗ máy" truyền thông Trung Quốc
Không chỉ đơn thuần tạo điều kiện cho doanh nghiệp truyền thông thu hút nguồn vốn nước ngoài, Trung Quốc tích cực thực hiện chính sách khuyến khích các cơ quan truyền thanh, truyền hình mở rộng ra nước ngoài để phát triển.
Tháng 2/2004, Chính phủ Trung Quốc ra thông báo phê chuẩn sự hợp pháp về quyền sở hữu thương mại của các hãng truyền thông, đặt nền móng cho việc nguồn vốn tư nhân được phép đầu tư vào các phương tiện truyền thông.
Chính sách mới cũng đã đánh dấu sự kết thúc một lệnh cấm, cho phép nguồn đầu tư nước ngoài được đầu tư vào các công ty chế tác truyền hình và điện ảnh trong nước.
Sự ra đời cùng lúc hai chính sách mới của chính phủ Trung Quốc đối với ngành truyền thông, đã thể hiện quyết tâm của nước này trong việc cải cách ngành truyền thông và tìm kiếm những khát khao đối với điểm tăng trưởng kinh tế mới.
Sức mạnh của cải cách
Mặc dù trước đó không công khai, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã ngầm cho phép tư nhân đầu tư vào truyền thông, có thời gian còn cho phép loại hình đầu tư này xâm nhập vào công tác biên tập của các hãng truyền thông.
Nhưng sự ra đời của thông báo mới đã cung cấp cho loại hình đầu tư này một căn cứ pháp lý đầy đủ nhất, từ đó thu hút được nguồn đầu tư đáng kể cho ngành truyền thông Trung Quốc.
Trước kia, Chính phủ cho phép báo chí có thể phân chia và thu hút nguồn vốn xã hội, nhưng quy định nhà nước phải nắm giữ số cổ phiếu tuyệt đối trong bất kỳ doanh nghiệp truyền thông nào.
Cuộc cải cách này khiến cho các hãng truyền thông trong nước dần từ bỏ nguồn trợ cấp của nhà nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, và là động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế và sự nghiệp sáng tạo của mình.
Theo những quy tắc mới và những cuộc thí điểm cải cách gần đây, công tác biên tập vẫn đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước.
Trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân cũng đang dần có những bước lớn mạnh về sức ảnh hưởng của mình trong công việc biên tập về nội dung. Hiện nay, mức ảnh hưởng của họ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giải trí, kịch truyền hình.
Trong tương lai, sức ảnh hưởng của họ trong ngành truyền thông thậm chí là các hãng truyền thông chủ lực sẽ ngày một tăng lên.
Với sự thông thoáng của chính sách mới, Trung Quốc đang có rất nhiều doanh nghiệp truyền thông tư nhân, như Tập đoàn Xingmei của Bắc Kinh, Tập đoàn Fuxing của Thượng Hải, và Tập đoàn Sanliancủa Sơn Đông.
Các tập đoàn truyền thông tư nhân này đang có thực lực phát triển tương đối tốt, trở thành các doanh nghiệp truyền thông tư nhân hàng đầu, chiếm một vị trí quan trọng trong thị trường truyền thông Trung Quốc.
Khuyến khích "xuất ngoại"
Phát triển ra nước ngoài là một bộ phận trong công cuộc cải cách toàn diện của tổng cục phát thanh, điện ảnh, truyền hình quốc gia - mục đích là để cho ngành phát thanh truyền hình Trung Quốc có được sức cạnh tranh khi đối mặt với các nhà cạnh tranh nước ngoài.
Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động "xuất ngoại" của doanh nghiệp trong nước, Tổng cục phát thanh truyền hình quốc gia đã đưa ra một chính sách mới. Trong đó, Tổng cục kêu gọi các cơ quan PT-TH xây dựng cơ quan của mình ở nước ngoài.
Trong nội dung cuộc cải cách, Tổng cục PT-TH quốc gia còn yêu cầu các hãng bán ra được nhiều hơn các tiết mục được chế tác bởi Trung Quốc.
Chính sách mới đã chỉ rõ rằng: "Phải tích cực khích lệ các cơ quan phát thanh truyền hình trung ương và các thành phố lớn xây dựng các đài PT-TH ở nước ngoài. Có thể xây dựng độc lập, hoặc thông qua hình thức hợp tác.
Các cơ quan PT-TH phải áp dụng nhiều biện pháp cần thiết, khai thác tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Phải ra sức xuất xưởng những sản phẩm có sức cạnh tranh, xây dựng nhãn hiệu quốc tế, ra sức tranh đua để nâng cao thị phần trên thị trường phát thanh truyền hình thế giới".
Ngành PT-TH Trung Quốc đã có một số thành công trên thị trường thế giới, đã có một kênh của Đài truyền hình Trung ương do một công ty phát thanh truyền hình nước ngoài phát sóng. Nhưng kể từ đó, Trung Quốc vẫn chưa có thêm một kênh nào khác ở nước ngoài.
Một vị quan chức cho biết: "Tổng cục đã nhận thức được sự khó khăn của ngành PT-TH khi hướng ra nước ngoài. Do đó, trọng tâm công việc thời kỳ đầu có thể là sự hợp tác với nước ngoài về khai thác nội dung và hợp tác giữa các kênh".
Ông này nói thêm: "Có thể nói rằng Trung Quốc đã có những cơ quan PT-TH trong nước vững chắc về tài chính, thực lực về nhân lực. Ví dụ như Đài truyền hình Trung ương có 24 kênh truyền hình, thu nhập trên 8 tỉ nhân dân tệ hàng năm.
Dù vậy, sự mở rộng của họ ở thị trường nước ngoài vẫn có giá trị thấp, nội dung thiếu sự sáng tạo. Nhưng Trung Quốc vẫn, đã và sẽ tích cực tham gia hơn nữa vào sự cạnh tranh quốc tế để khắc phục những thiếu sót quan trọng này".
Theo Phương Thảo
TuanVietNam/Sina.com.cn