1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tư lệnh hạm đội Mỹ hối thúc Nhà Trắng cho tàu áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc

(Dân trí) - Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 17/9 đã ủng hộ việc đưa tàu chiến Mỹ, đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh.

Bức ảnh vệ tinh chụp bãi Chữ Thập, nơi Trung Quốc đang xây dựng đường băng phi pháp, xuất hiện trong buổi điều trần ngày 17/9 của Thượng viện Mỹ (Ảnh: AP)
Bức ảnh vệ tinh chụp bãi Chữ Thập, nơi Trung Quốc đang xây dựng đường băng phi pháp, xuất hiện trong buổi điều trần ngày 17/9 của Thượng viện Mỹ (Ảnh: AP)

Phát biểu trên được đô đốc Harry Harris đưa ra trong buổi điều trần trước Ủy ban các lực lượng vũ trang Thượng viện, với sự hiện diện của đại diện Lầu Năm Góc.

Tại đây, ông Harry Harris khẳng định Hạm đội Thái Bình Dương bày tỏ “quan ngại sâu sắc về mặt quân sự” trước hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, và cho biết ủng hộ các lựa chọn khẳng định quyền tự do đi lại trên biển và trên không trong khu vực.

“Tôi tin rằng chúng ta nên thực hiện - được phép thực hiện, tự do đi lại trên biển và trên không tại Biển Đông qua những hòn đảo mà thực chất không phải đảo”, ông Harry Harris nói.

Khi được hỏi việc liệu này có nghĩa là đi vào khu vực 12 hải lỷ quanh những hòn đảo nhân tạo, ông Harris nói: “còn tùy thuộc vào cấu trúc”. “Việc thực hiện hoạt động tự do đi lại như vậy là một trong những hành động chúng tôi đang cân nhắc”.

Cũng trong buổi điều trần này, Chủ tịch Ủy ban các lực lượng vũ trang Thượng viện, thượng nghị sỹ John McCain đã chỉ trích chính phủ Mỹ không cho phép Hạm đội Thái Bình Dương điều tàu và máy bay đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, gián tiếp thừa nhận những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực.

“Chính quyền đã tiếp tục cấm các tàu hải quân của chúng ta hoạt động bên trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo Trung Quốc bồi lấn”, ông McCain khẳng định, trong bài phát biểu. “Đây là một sai lầm nguy hiểm đã công nhận một cách không chính thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo”.

Về phần mình, ông David Shear - trợ lý Bộ trưởng quốc phòng, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng một hành động khẳng định quyền tự do đi lại trong khu vực đã được Mỹ thực hiện hồi tháng 4, và rằng chiến thuật đó chỉ là “một công cụ trong hộp dụng cụ…và chúng tôi đang trong quá trình tập hợp hộp dụng cụ đó”.

Shear thừa nhận “gần đây chúng ta vẫn chưa tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh những khu vực bồi đắp”, và cho biết lần gần nhất một tàu hải quân Trung Quốc làm việc này là năm 2012.

Tiết lộ này của ông Shear phần nào trái ngược với khẳng định của Bộ trưởng quốc phòng Ash Carter hôm 16/9, rằng Mỹ sẽ không bị Trung Quốc ngăn cản trong việc điều động tàu và máy bay tại châu Á. Mỹ sẽ “tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và các chuyến bay qua đây”, ông Carter tuyên bố.

Ông Shear cho rằng việc ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo mới bao gồm một loạt lựa chọn, trong đó có các hoạt động khẳng định tự do đi lại.

“Hiện phía Trung Quốc vẫn chưa đưa vũ khí hiện đại tới các cấu trúc này và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo họ không làm việc đó”, ông Shear nói. “Đây sẽ là một nỗ lực dài hạn. Không hề có giải pháp đơn thuần nào trong nỗ lực đó. Nhưng chúng ta chắc chắn đang làm phức tạp thêm những toan tính của Trung Quốc”.

Tuy vậy, thượng nghị sỹ McCain đã tỏ rõ sự giận dữ trong buổi điều trần, và tuyên bố với đại diện Lầu Năm Góc rằng cách tốt nhất để khẳng định các vùng biển quốc tế, quanh các hòn đảo nhân tạo không thuộc về Trung Quốc phải là đưa tàu của Mỹ đi qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo.

“Vậy nhưng chúng ta lại chưa từng làm việc đó kể từ năm 2012. Tôi không thấy vậy là chấp nhận được”, ông McCain nói.

Sau thời gian dài ngó lơ hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, phải đến năm nay Washington mới bắt đầu gây sức ép để Bắc Kinh ngừng hoạt động bồi đắp trái phép. Tuy nhiên, lời kêu gọi của họ bị Trung Quốc bỏ ngoài tai. Mới đây, một đô đốc Trung Quốc còn tuyên bố toàn bộ Biển Đông thuộc chủ quyền lãnh hải của nước này.

“Biển Đông không phải của Trung Quốc, cũng giống như Vịnh Mexico không thuộc về Mexico”, ông Harris khẳng định.

Vị đô đốc cũng cảnh báo sẽ có thêm nhiều vụ va chạm giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc, tương tự như vụ máy bay do thám P-8 bị chiến đấu cơ Trung Quốc chặn năm 2014, một khi Trung Quốc hoàn tất các đường băng trên bãi đá Chữ Thập và hai bãi đá khác.

Với các tên lửa, chiến đấu cơ và tàu chiến đóng quân tại đây, “việc này tạo ra một cơ chế mà theo đó Trung Quốc có quyền kiểm soát không chính thức với Biển Đông trong bối cảnh khi chưa xảy ra chiến tranh”, vị tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương nói.

Trong khi đó, chủ tịch tiểu ban sức mạnh hải quân, thuộc Ủy ban các lực lượng vũ trang Thượng viện, nghị sỹ Randy Forbes ngày 17/9 đã dẫn đầu một nhóm 29 nghị sỹ tại quốc hội Mỹ, viết thư gửi tới Tổng thống Obama và lãnh đạo Lầu Năm Góc, hối thúc gỡ bỏ những hạn chế về hoạt động của không quân và hải quân quanh các đảo tranh chấp.

“Nước Mỹ càng trì hoãn việc thách thức những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc tại các cấu trúc nhân tạo - và vùng nước chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế họ tuyên bố quanh đó - hậu quả cho an ninh khu vực sẽ càng lớn hơn”, bức thư của các nghị sỹ viết. “Chúng tôi tin tưởng rằng Bộ quốc phòng cần hành động ngay lập tức để tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với tự do đi lại và việc tôn trọng luật pháp”.

Thanh Tùng

Theo Washington Free Beacon

 

Tư lệnh hạm đội Mỹ hối thúc Nhà Trắng cho tàu áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc - 2