Kinh tế Trung Quốc:
Từ công xưởng thế giới đến quốc gia của phát minh sáng chế
(Dân trí) - Trung Quốc đang chuyển mình mạnh mẽ từ công xưởng của thế giới thành một nước phát minh sáng chế. Một trong những nét đặc trưng nhất của Trung Quốc hiện đại là khả năng “tạo ra” những con số gây sốc cho chính phủ cũng như các công ty, tập đoàn các nước trên thế giới.
Các công ty trên thế giới liên tục nói về “giá bán kiểu Trung Quốc” - làm thế nào nhà sản xuất Trung Quốc có thể giảm giá hàng hoá, từ đôi tất đến sản phẩm bán dẫn. Bên cạnh đó, một số chủ đề khác liên tục được bàn luận như số thuê bao sử dụng điện thoại di động tăng không ngừng ở nước này (440 triệu) hoặc lượng ximăng mà Trung Quốc sử dụng lên tới 40% tổng sản lượng xi măng thế giới.
Tuy nhiên, hiện mọi sự bàn tán hiện đã chuyển sang chủ đề khoa học. Hai thập niên qua, Trung Quốc đã thâm nhập thành công hết lĩnh vực sản xuất này đến lĩnh vực sản xuất khác. Theo đà đó, Trung Quốc muốn dành 2 thập niên tới đề chuyển từ “Sản xuất tại Trung Quốc” sang “Phát minh tại Trung Quốc”.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, năm 2006 Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong thập niên trước, tỷ trọng đầu tư vào R&D từ GDP của Trung Quốc đã tăng 2 lần. Nước này cũng đã vượt qua Đức về lĩnh vực xin cấp bằng sáng chế và đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng thế giới.
Giống như việc Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm trong quá khứ, hiện Trung Quốc đang đổ rất nhiều tiền của vào các trường đại học nhằm hiện đại hoá nền kinh tế. Từ năm 1998, số sinh viên đại học của nước này đã tăng hơn 4 lần, lên đến 16 triệu người. Đáng chú ý là trong khi mỗi năm Mỹ chỉ đào tạo được 137.000 kỹ sư, ít nhất có bằng cử nhân, thì con số này ở Trung Quốc lên đến 352.000.
Bên cạnh đó, số lượng tiến sĩ người Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài trở về nước ngày một tăng. Theo số liệu của chính quyền thành phố Bắc Kinh, năm 2006 số tiến sĩ nước ngoài trở về lên đến 30.000 người.
Các công ty đa quốc gia cũng đang chạy đua trong việc xây dựng trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc, một phần do rất nhiều nhà khoa học Trung Quốc sẵn sàng làm việc với mức lương chỉ bằng 20% lương của một nhà khoa học phương Tây. Ước tính, có đến 250-300 công ty nước ngoài có trung tâm R&D ở Trung Quốc.
Chứng kiến Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc phát triển nền kinh tế tri thức, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang gấp rút làm điều tương tự, nhất là khi xét đến sự gia tăng nhanh chóng chi phí lao động của nước này.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng khoa học của Trung Quốc đang gặp phải nhiều vấn đề, từ nạn gian lận giáo dục đến thị trường tài chính yếu kém. Ở cấp độ công ty, sức sáng tạo của người Trung Hoa vẫn rất kém. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn thiếu môi trường kinh tế và pháp lý để thúc đẩy sự đổi mới và vẫn chưa phải là nền kinh tế có tính đổi mới cũng như chưa có những công ty có tính đổi mới.
Vấn đề bắt đầu từ nghiên cứu lý luận. Trung Quốc có thể đang đổ rất nhiều tiền vào hoạt động nghiên cứu nhưng kết quả dường như vẫn chưa xứng với đầu tư và còn nhiều vấn đề về kết quả thu được.
Vụ bê bối ở trường Đại học Jiaotong ở Thượng Hải dường như đã thổi bùng lên những lo ngại. Trong vụ bê bối này, trưởng khoa Chen Jin tuyên bố rằng ông đã phát minh ra con chíp tinh xảo có thể xử lý 200 triệu lệnh/giây, nhưng kết quả điều tra cho thấy ông Chen đã sao chép sản phẩm của Motorola và tuyên bố đó là công trình của mình.
Thậm chí trước khi “vụ Chen Jin” được đưa ra ánh sáng, giới học viện Trung Quốc cũng đã nhiều lần bị cáo buộc liên quan đến ăn cắp ý tưởng và nghiên cứu giả dối. Một bài tạp chí của Trung Quốc đã bóc trần bộ mặt thật của các viện sĩ và sinh viên người đã “biến” các bài báo được giải thành công trình của mình.
Tang Anguo, giám đốc Viện giáo dục sau đại học thuộc Đại học Tiêu chuẩn Đông Trung Quốc tại Thượng Hải, cho biết: “Mọi người rằng chỉ có quan chức mới có thể tham nhũng, nhưng tôi có thể nói với bạn một điều là trong giới học thuật Trung Quốc, cũng có rất nhiều trường hợp tương tự vụ giáo sư Chen”.
Cũng có bằng chứng cho thấy chất lượng giáo dục cũng giảm sút. Năm 2004, mặc dù Trung Quốc đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng số lượng ấn phẩm khoa học được xuất bản và số lượng các nhà khoa học Trung Quốc xuất hiện trên bìa tạp chí quốc tế như “Nature and Science”, nhưng Trung Quốc chỉ đứng thứ 124 về số lượng bài báo được trích dẫn.
Rõ ràng, nếu Trung Quốc muốn trở thành nước nước sáng chế, thì không chỉ hoạt động nghiên cứu lý luận mà cả hệ thống giáo dục đều cần một cuộc lột xác thực sự.
Giảng viên đại học cho rằng chương trình học mạng nặng tính lý thuyết và tình trạng học vẹt cũng như việc giải quyết vấn đề và làm việc trong nhóm vẫn chưa được chú trọng. Lớp học quá đông, thậm chí một số lớp học tiến sĩ có sĩ số lên đến trên 50 người.
Theo đánh giá, chhỉ có 10% số kỹ sư đại học tốt nghiệp có kỹ năng thực tiễn và ngôn ngữ cần thiết để làm việc ở một công ty đa quốc gia. Các giám đốc điều hành công ty thường phàn nàn rằng mặc dù họ đã tuyển những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, nhưng rất khó có được ý kiến của họ. Rõ ràng, phần lớn sinh viên Trung Quốc đang “học vẹt”, họ chỉ nhớ những gì có trong sách vở và vượt qua kỳ thi mà gần như không có chút gì sáng tạo.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề này thông qua việc thay đổi chương trình giảng dạy, tập trung vào giao tiếp và làm việc nhóm cũng như thành lập một số trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, kể cả các trường đại học tốt nhất cũng thiếu kinh phí hoạt động.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với khả năng sáng tạo và đổi mới không nằm ở phòng thí nghiệm hay lớp học mà là số phận của thị trường chứng khoán. Vài thập niên qua, các công ty tư nhân quy mô nhỏ là một trong những động lực chủ yếu cho sự cải tổ, nhưng hệ thống tài chính của Trung Quốc không cung cấp đủ sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù các công ty nghiên cứu đôi khi cần nhiều năm và hàng triệu USD để đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thường phải tăng nguồn vốn ban đầu bằng cách vay mượn từ các thành viên gia đình hoặc đối tượng cho vay nặng lãi.
Trong khi ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hoạt động nghiên cứu chủ yếu tập trung ở các công ty lớn với nguồn lực dồi dào như Sony hoặc Samsung, thì ở Trung Quốc các công ty lớn thường thuộc sở hữu nhà nước và chịu sự điều hành của các vị giám đốc “ngại mạo hiểm”.
Trở ngại lớn nhất đối với khả năng sáng tạo của Trung Quốc là nạn đánh cắp bản. Hiểm hoạ trước mắt với hoạt động nghiên cứu là sự vi phạm bằng sáng chế có thể sẽ tăng mạnh: các công ty thường lo lắng về tình trạng làm nhái sản phẩm nhiều hơn việc những bí quyết bị đánh cắp từ phòng thí nghiệm. Và chính những bất ổn này sẽ hạn chế sự đầu tư vào các ngành công nghiệp tri thức của Trung Quốc.
Nguyễn Anh
Theo Financial Times