Từ BTS đến Squid Game - Hàn Quốc vươn mình thành cường quốc văn hóa
(Dân trí) - Hàn Quốc, quốc gia nổi tiếng với những thương hiệu ô tô và điện thoại thông minh, giờ đây trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu với những "bảo bối" như ban nhạc BTS hay loạt phim Squid Game.
Hàn Quốc từng không có những sản phẩm văn hóa xuất khẩu mang tính đột phá. Trong nhiều thập niên, quốc gia châu Á này được biết đến qua hình ảnh những ô tô và điện thoại di động thông minh. Các bộ phim, chương trình truyền hình và âm nhạc hầu hết chỉ nổi tiếng trong khu vực.
Nhưng giờ đây, các ban nhạc K-pop như Blackpink, phim đoạt giải Oscar Parasite (Ký sinh trùng) hay mới nhất là loạt phim Squid Game (Trò chơi con mực) đã xuất hiện phổ biến trên mạng khắp thế giới.
Tương tự như cách Hàn Quốc "vay mượn" từ Nhật Bản và Mỹ để phát triển năng lực sản xuất, các đạo diễn và nhà sản xuất nước này cho biết đã nghiên cứu Hollywood và các trung tâm giải trí khác trong nhiều năm, áp dụng và cải tiến các công thức bằng cách thêm các nét đặc trưng riêng của nước này. Lợi thế khác mà Hàn Quốc có được là sự phát triển của các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix. Chính các nền tảng này giúp phá bỏ rào cản địa lý, đưa Hàn Quốc phát triển thành một nước giải trí và xuất khẩu văn hóa lớn.
Chỉ trong vài năm gần đây, Hàn Quốc gây chấn động thế giới với Parasite, bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên đoạt giải Oscar dành cho "Phim xuất sắc nhất". Nước này còn có các "bảo bối" khác đó như ban nhạc nam đình đám lớn nhất thế giới BTS.
Nền tảng Netflix đã giới thiệu 80 bộ phim và chương trình truyền hình Hàn Quốc trong vài năm qua, nhiều hơn những gì họ tưởng tượng khi bắt đầu cung cấp dịch vụ tại nước này vào năm 2016, theo tuyên bố của công ty này. Tính đến ngày 1/11, 3 trong số 10 chương trình truyền hình phổ biến nhất trên Netflix là của Hàn Quốc.
Tầm ảnh hưởng khó có thể đo lường được
"Khi chúng tôi làm các bộ phim như Quý ngài ánh dương, Hạ cánh nơi anh và Thế giới ma quái, chúng tôi không ngờ nó lại trở thành hiện tượng toàn cầu", ông Jang, người từng làm việc với tư cách là đồng sản xuất hoặc đồng đạo diễn cho biết. "Chúng tôi chỉ cố gắng làm cho chúng trở nên thú vị và ý nghĩa nhất có thể", ông nói thêm.
Nhu cầu giải trí ngày càng tăng của Hàn Quốc đã truyền cảm hứng cho những người sản xuất độc lập như Seo Jea-won, người đã cùng vợ viết kịch bản cho bộ phim Bulgasal. Ông nói: "Khi các dịch vụ phát trực tuyến hàng đầu như Netflix tạo ra cuộc cách mạng trong việc phân phối các chương trình truyền hình, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh".
Tất nhiên, sản lượng sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc vẫn còn nhỏ so với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như chất bán dẫn, nhưng nó đã mang lại cho quốc gia này tầm ảnh hưởng khó có thể đo lường được. Vào tháng 9, từ điển tiếng Anh Oxford đã bổ sung thêm 26 từ mới có nguồn gốc từ tiếng Hàn, bao gồm "hallyu" (làn sóng Hàn Quốc).
Giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, thành công của nước này không phải diễn ra trong một sớm một chiều. Rất lâu trước khi Squid Game trở thành chương trình truyền hình được xem nhiều nhất trên Netflix hoặc BTS biểu diễn tại Liên Hợp Quốc, các phim truyền hình Hàn Quốc như Bản tình ca mùa đông và các ban nhạc như Bigbang và Girls Generation đã chinh phục thị trường châu Á và hơn thế nữa. Nhưng họ đã chưa thể vươn đến thành công toàn cầu toàn cầu như hiện hay.
Kim Young-kyu, Giám đốc điều hành của Studio Dragon, hãng phim lớn nhất Hàn Quốc, hãng sản xuất hàng chục chương trình truyền hình mỗi năm cho biết: "Chúng tôi thích kể chuyện và có những câu chuyện hay. Nhưng thị trường nội địa quá nhỏ, quá đông đúc. Chúng tôi cần phải vươn ra toàn cầu".
Mãi cho đến năm 2020 khi Parasite giành giải Oscar, khán giả quốc tế mới thực sự chú ý đến điện ảnh Hàn Quốc.
Kang Yu-jung, giáo sư tại Đại học Kangnam, ở Seoul cho biết: "Thế giới không biết gì nhiều về chúng ta cho đến khi các nền tảng phát trực tuyến như Netflix và YouTube ra đời vào thời điểm mọi người xem giải trí trực tuyến nhiều hơn".