Truyền thông Úc đánh giá tích cực về thủy sản Việt Nam
(Dân trí) - Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tối 15/2/2014, Đài Truyền hình ABC Landline của Úc đã chiếu bộ phim dài 16 phút giới thiệu về việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản tại Việt Nam với những đánh giá rất tích cực và khách quan.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, bộ phim được thực hiện tháng 6/2013 với sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Sydney và Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản Úc.
Bộ phim trên đã phỏng vấn một số chuyên gia, nhà nhập khẩu thủy sản của Úc, khẳng định nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam như tôm, cá basa, cá chẽm (barramundi)... đang rất được ưa chuộng tại Úc. Hiện cá basa là mặt hàng được tiêu thụ nhiều thứ hai tại Úc sau cá hồi Tasmanian Atlantic.
Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời ông Normant Grant Chủ tịch Hiệp hội các nhà Nhập khẩu Thủy sản Úc ngày 21/2 cho hay đây là lần đầu tiên truyền thông Úc có cách nhìn nhận đánh giá rất tổng thể khách quan và tích cực về việc nuôi trồng chế biến thủy hải sản ở Việt Nam. Bộ phim đã được dư luận Úc, đặc biệt là các nhà nhập khẩu thủy sản đánh giá rất tốt.
Theo ông Normant Grant, hàng năm người dân Úc có nhu cầu tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn thủy hải sản, trong đó thị trường nội địa của Úc chỉ có thể đáp ứng được 20% nhu cầu trên, còn lại 80% là nhập khẩu. Úc hiện đang nhập khẩu thảy sản từ các nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam. Năm ngoái Úc đã nhập của Việt Nam hơn 160 triệu USD thủy hải sản và năm nay dự đoán kim ngạch có thể vượt 200 triệu USD.
Bộ phim dẫn lời ông Jeff Peterson, Giám đốc kiểm định chất lượng của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu, cho rằng các sản phẩm của các công ty thủy sản uy tín tại Việt Nam thuộc hàng sản phẩm tốt nhất trên thế giới. Trong khi đó, chuyên gia tư vấn về thủy sản của Úc, John Sussman, đang tích cực làm việc với những hộ nuôi trồng cá giò (cobia) tại Việt Nam để giới thiệu, quảng bá sản phẩm này tới một số nhà hàng danh tiếng nhất nước Úc.
Tuy nhiên, ông Norman Grant cho rằng vẫn tồn tại cái nhìn lệch lạc trong nhiều người tiêu dùng Úc rằng hàng giá rẻ là hàng không ngon. Đây chính là nguyên nhân khiến họ còn lưỡng lự khi mua hàng thủy sản nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam.
Ông cũng cho hay, nhiều người đến Việt Nam du lịch, họ nhìn thấy những chiếc lồng nuôi cá nhỏ của của các hộ gia đình và nghĩ rằng nó không đáp ứng tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt để xuất khẩu. Đó là quan niệm sai lầm.
Theo thông tin từ bộ phim được phát trên Đài Truyền hình ABC Landline, Hiệp hội các nhà Nhập khẩu Thủy sản của Úc đang tuyên truyền để giúp nâng cao nhận thức của người dân trong nước về quy trình nuôi trồng thủy sản bền vững tại một số quốc gia như Việt Nam, trong đó, các khâu từ cho ăn, chế biến và phân phối đều đảm bảo quy chuẩn an toàn và thân thiện với môi trường.
Vừa qua, Hoa Kỳ thông qua Luật Nông nghiệp 2014, trong đó có nội dung về chương trình giám sát cá da trơn và quy định sản xuất đến việc đóng gói và xuất khẩu ngang đồng với mặt hàng sản xuất tại Hoa Kỳ.
Trước sự việc này, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 20/2/2014, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình khẳng định: Việt Nam luôn kiểm soát chặt chẽ ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản, áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế, sản phẩm cá da trơn của Việt Nam được đông đảo người tiêu dùng trên thế giới đón nhận.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng nói thêm: “Chúng tôi lo ngại những quy định mới trong Luật Nông nghiệp 2014 của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam, cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ và cho rằng các biện pháp trong Chương trình giám sát cá da trơn nêu trong Luật Nông nghiệp 2014 cần tuân thủ các cam kết quốc tế của Hoa Kỳ, không tạo ra các rào cản thương mại.”
Nam Hằng