1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Truyền thông Trung Quốc mong quan hệ với Mỹ "dễ thở" hơn dưới thời Biden

An Bình

(Dân trí) - Truyền thông Trung Quốc lên tiếng với giọng điệu lạc quan về việc ứng viên Biden được dự đoán đắc cử tổng thống Mỹ, nói rằng hai nước sẽ phục hồi phần nào quan hệ và khởi động lại thương mại.

Truyền thông Trung Quốc mong quan hệ với Mỹ dễ thở hơn dưới thời Biden - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất cứng rắn với Trung Quốc trong suốt nhiệm kỳ gần 4 năm qua (Ảnh: AP)

Trong một bài xã luận đăng tải ngày 9/11, mặc dù thừa nhận rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ không giảm sức ép lên Trung Quốc về các vấn đề như Hong Kong hay Tân Cương, Thời báo Hoàn cầu cho rằng Bắc Kinh nên hành động kể kết nối với nhóm của ông Biden một cách toàn diện khi có thể.

Tờ báo trên cho rằng chính quyền Trump đã "cố tình tạo căng thẳng" trong quan hệ Mỹ - Trung, đặc biệt sau khi đưa ra chiến lược tranh cử gây sức ép với Trung Quốc, vốn dẫn tới những “bong bóng” trong quan hệ giữa hai nước.

“Chúng tôi tin rằng có thể cho thổi bay những bong bóng đó. Quan hệ Mỹ - Trung bớt căng thẳng và được kiểm soát sẽ mang lại lợi ích chung cho người dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế”, Reuters trích dẫn bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu.

Trong khi đó, Nhật báo Trung Quốc viết trong một bài xã luận riêng rẽ rằng rõ ràng việc cải thiện quan hệ với Trung quốc có thể bắt đầu từ thương mại, và việc mở lại các cuộc đàm phán thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi phần nào niềm tin và sự thấu hiểu trong quan hệ hai nước.

“Đó là một trong những mối liên hệ cuối cùng kết nối hai bên. Cần lưu ý là cả Bắc Kinh và Washington đều không dám hủy bỏ cái gọi là thỏa thuận giai đoạn 1 mà hai bên đã đàm phán”, bài báo viết.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gia tăng trong năm qua, làm tác động tới các chuỗi cung ứng công nghệ và quan hệ thương mại, và gây lo ngại rằng một cuộc tài chính giữa hai nước có thể sẽ xảy ra.

Sức ép của Mỹ, cùng với đại dịch Covid-19, đã khiến Trung Quốc phải vạch ra việc giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài và công nghệ để phát triển kinh tế, trong khuôn khổ một mô hình phát triển “tuần hoàn kép” để thúc đẩy nền kinh tế.

“Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia mà Mỹ không thể chèn áp hay gây mất ổn định, và biến việc hợp tác với Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất đối với Mỹ nếu muốn hiện thực hóa các lợi ích quốc gia”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Đàm phán lại thỏa thuận thương mại?

Cũng liên quan tới quan hệ Mỹ - Trung, Bưu điện Hoa nam Buổi sáng hôm nay dẫn lời các cố vấn của chính phủ Trung Quốc nói rằng, một chiến thắng bầu cử của ông Biden sẽ khích lệ Trung Quốc cố gắng đàm phán lại thỏa thuận thương mại của Tổng thống Donald Trump, mà Bắc Kinh xem là có lợi cho Washington.

Thỏa thuận giai đoạn 1 đã đạt được hồi đầu năm nay sau nhiều tháng đám phán căng thẳng và sau 18 tháng diễn ra cuộc chiến thuế quan vốn làm đóng băng cả 2 bên. Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ so với mức của năm 2017, nhưng không buộc nước này có những thay đổi về cấu trúc đối với mô hình kinh tế.

Dù vậy, các cố vấn cho rằng thỏa thuận được xem là không thực tế để Trung Quốc có thể thực thi. Họ cũng xem ông Biden là “người có tư tưởng đa phương” hơn ông Trump - dù các cựu quan chức Mỹ cho rằng hầu như không có khả năng ông Biden sẽ trao cho Trung Quốc một thỏa thuận mềm mỏng hơn.

Shi Yinhong, một cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc - cơ quan có chức năng giống nội các - cho cho Bắc Kinh có thể xem điều đó có lợi cho Trung Quốc nhằm giảm các mục tiêu nhập khẩu và giảm thuế đối với hàng xuất khẩu đi Mỹ.

“Ông Biden sớm hay muộn cũng sẽ khởi động việc đàm phán lại thỏa thuận thương mại, vì thỏa thuận hiện thời không thực tế. Việc đàm phán lại là mong muốn của Trung Quốc”, ông Shi cho biết, nói thêm rằng Bắc Kinh dự đoán chính quyền Biden sẽ tìm cách yêu cầu Bắc Kinh có thêm những thay đổi về cấu trúc trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.

“Chính quyền Biden sắp tới có thể sẽ có lập trường cứng rắn hơn về Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Biển Đông, và các vấn đề khác, cũng như các cáo buộc hoạt động tình báo của Trung Quốc tại Mỹ”, ông Shi nhận định.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được dự đoán đắc cử tổng thống Mỹ, ông Biden đã tuyên bố rằng ông có thể sẽ đảo ngược ngay lập tức quyết định của chính quyền Trump như rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho rằng điều này có thể mở ra cánh cửa hợp tác tốt hơn giữa Washington và Bắc Kinh.

“Ông Biden xuất phát từ tầng lớp chính trị, ông ấy có kinh nghiệm trong việc xử lý các quan hệ quốc tế và cũng hiểu cơ chế đa phương”, Wang Huiyao, một cố vấn cho chính phủ trung ương Trung Quốc, nhận định.

Yu Wanli, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung, cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách đàm phán lại thỏa thuận thương mại, nhưng cũng thừa nhận rằng ông Biden có thể sử dụng nó làm một quân bài mặc cả để nhận được các nhượng bộ trong các vấn đề như bảo vệ sở hữu trí tuệ.

“Có khả năng Trung Quốc sẽ cam kết bảo vệ sở hữu trí tuệ cao hơn đối với các công ty Mỹ và có thể mở cửa hơn nữa thị trường tài chính, nhưng Bắc Kinh có thể không thỏa hiệp về các lĩnh vực như bảo vệ quyền lao động và nhân quyền”, ông Yu nhận định.

Có thể chỉ là "chuyện trong mơ"

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng nhận định rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ vẫn căng thẳng trong tương lai gần và việc cố gắng đàm phán lại thỏa thuận thương mại có thể chỉ là chuyện trong mơ với Trung Quốc.

Benjamin Kostrzewa, một luật sư về thương mại và cựu nhân viên Phòng đại diện thương mại Mỹ thời chính quyền Obama, cho rằng ông Biden sẽ chịu sức ép lớn nhằm duy trì lập trường thương mại mạnh mẽ đối với Trung Quốc, do đó việc có những thay đổi lớn trong các chính sách hiện thời của Mỹ với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không xảy ra trong những tháng đầu của nhiệm kỳ.

“Một chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ xem xét lại mang tính chiến lược chính sách thương mại và đầu tư của chính quyền Trump nhằm xác định các chính sách nào đang có tác dụng củng cố nước Mỹ, chính sách nào không”, chuyên gia trên nói.

“Các chính xác được xem là không có tác dụng có thể là cơ sở cho các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong tương lai trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các ưu tiên khác”, chuyên gia Kostrzewa nói thêm.

Trong khi đó, Stephen Olson, một nhà cựu đàm phán thương mại của Mỹ, cho rằng có rất ít không gian chính trị để ông Biden đàm phán lại thỏa thuận giai đoạn một nhằm giúp Trung Quốc “dễ thở” hơn, do giọng điệu cứng rắn của ông với Bắc Kinh trong suốt chiến dịch tranh cử. Nếu không, điều đó chỉ củng cố thêm các cáo buộc của ông Trump rằng ông Biden mềm mỏng với Trung Quốc.

“Các vấn đề thương mại sẽ không phải là ưu tiên cao nhất với chính quyền Biden sắp tới. Ông ấy đã nói rõ rằng ông ấy muốn đầu tư vào người lao động Mỹ trước khi có bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào. Tất nhiên, ưu tiên số 1 sẽ là đại dịch Covid-19”, ông Olson nhận định.

Trong khi đó, nhiều người đang chờ đợi xem liệu Trung Quốc có thực hiện đúng các điều khoản của thỏa thuận khi chính quyền Biden lên nắm quyền hay không. Mặc dù Trung Quốc đã gia tăng mua hàng nông sản của Mỹ nhưng nước này chưa tiến gần tới các mục tiêu xuất khẩu trong năm 2020.

Theo số liệu của hải quan Mỹ, tính đến cuối tháng 9, Trung Quốc mới chỉ đạt được 54% mục tiêu mua hàng hóa của Mỹ. Mặc dù đã gia tăng mua đậu tương, ngô, thị lợn của Mỹ kể từ mùa hè năm nay nhưng Trung Quốc mới chỉ đạt 65% mục tiêu mua các sản phẩm nông nghiệp trong năm 2020.

Số liệu của hải quan Trugn Quốc công bố mới đây cho thấy trong tháng 10, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã cao hơn 46,5% so với ngày ông Trump lên nắm quyền. Điều này cho thấy các nỗ lực của Washington nhằm giảm thâm hụt thương mại vẫn chưa có kết quả.