1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Truyền hình Bỉ giới thiệu phim tài liệu về chiến thắng 30/4

Tối 14/4, trong chuyên mục "Thema", Kênh truyền hình Arte của Bỉ đã trình chiếu phóng sự nói về cuộc chiến chống Mỹ và chiến thắng lịch sử 30/4/1975 thống nhất đất nước của Việt Nam.

Truyền hình Bỉ giới thiệu phim tài liệu về chiến thắng 30/4
Ngày 24/1/1973, nhân dân Hà Nội theo dõi tin tức qua loa phóng thanh về việc ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, với tiêu đề "Việt Nam, cuộc chiến tranh bẩn thỉu", bộ phim bắt đầu bằng sự kiện ngày 21/2/1970, khởi động đàm phán bí mật tại một căn biệt thự ở Choisy-le-Roi ở ngoại ô thủ đô Paris của Pháp. Giữa lúc cuộc chiến ác liệt diễn ra tại Việt Nam, Tổng thống Pháp Georges Pompidou đã đồng ý tổ chức cuộc gặp tại Pháp giữa cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Richard Nixon là ông Henry Kissinger và Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Lê Đức Thọ.

Mỹ - hậu thuẫn cho chính quyền miền Nam Việt Nam và miền Bắc Việt Nam thuộc chính quyền cách mạng đã cố gắng tìm lối thoát cho cuộc xung đột. Trong vòng 3 năm, những con người ở 2 chiến tuyến đã gặp nhau tại 45 cuộc họp để dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris vào tháng 1/1973. Tuy nhiên, phải 2 năm sau, cuộc chiến tranh mới kết thúc với việc sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn, ngày 30/4/1975.

Sau 40 năm, kênh Arte đã dành chuyên mục "Thema" cho cuộc chiến này. Chủ đề thứ 2 với tên gọi "Chiến tranh Việt Nam, trung tâm của các cuộc đàm phán bí mật" đã được Arte tiến hành với việc tập trung vào cuộc gặp lịch sử này, thậm chí nhiều chi tiết còn chưa hề được biết đến.

Nhờ băng ghi âm hồi đó và minh họa bằng một lối dẫn giản dị, các nhà làm phim đã cho khán giả cảm nhận được không khí vừa căng thẳng, vừa lịch lãm của cuộc gặp giữa các đặc phái viên Mỹ và Việt Nam. Thông qua các tư liệu, trong đó có nhiều tư liệu hiếm, nhà làm phim Daniel Roussel đã làm sống lại những thời khắc gay go với sự có mặt và chia sẻ của một số nhân chứng trong đó ông Henry Kissinger đã bày tỏ quan điểm cùng với thành viên của đoàn đàm phán Việt Nam.

Bộ phim tài liệu hoàn toàn mới này (đã từng đoạt giải tại Liên hoan phim lịch sử Pessac) cho khán giả hiểu thêm về "những cuộc đấu trí" ngoại giao giữa 2 nhân vật nổi tiếng: Henry Kissinger, Giáo sư Đại học Havard và Lê Đức Thọ, chiến sĩ cách mạng đã từng bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn, một trong những lãnh đạo chủ chốt của cách mạng Việt Nam.

Theo TTXVN/baotintuc.vn