Truy tìm kho báu dưới biển Đông Nam Á
Không kém ly kỳ và hấp dẫn như cuộc truy tìm kho báu trong loạt phim Cướp biển vùng Ca-ri-bê, các tay săn lùng kho báu ngày nay đang lao vào những cuộc phiêu lưu mới tại vùng biển Đông Nam Á, nơi vùi chôn biết bao xác tàu "no" đồ cổ và vật phẩm quý giá.
Trong con mắt của Tilman Walterfang, cựu kiến trúc sư 49 tuổi, lòng biển sâu thẳm tại Đông Nam Á là một mỏ châu báu khổng lồ. Giấc mơ tìm kiếm kho báu dưới đại dương đã được thổi bùng lên trong tâm trí Walterfang sau khi một ngư dân đưa cho anh xem các mẫu vật mà người này phát hiện trong lúc lặn vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20.
Những manh mối trên đã giúp anh lần lượt phát hiện 3 xác tàu đắm chất đầy đồ quý tại lãnh hải Indonesia giữa 1997 - 1998. Đầu tiên là xác tàu Intan, tại biển Java (Indonesia) vào năm 1997. Kế đến là việc phát hiện xác tàu Maranei/Bakau ngoài khơi Sumatra. Tuy nhiên, chiến tích vang dội nhất của nhà săn lùng kho báu người Đức này là trục vớt kho báu nhà Đường nổi tiếng.
Singapore đã mua toàn bộ các di vật trên chiếc tàu hồi năm 2004 với giá 32 triệu USD. Một trong những bí quyết giúp Walterfang thành công là dựa vào nguồn tin do các ngư dân Indonesia cung cấp.
Giờ đây, Walterfang đã trở lại khu vực này để bắt tay vào cuộc săn lùng mới. Ông đoán chắc rằng vẫn còn nhiều xác tàu đắm an nghỉ dưới lòng biển tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại eo Malacca. Theo anh, eo Malacca đầy đá ngầm và các hòn đảo nhỏ nên không ai biết đích xác nơi đây là mồ chôn của bao nhiêu con tàu.
Walterfang đang thực hiện kế hoạch trị giá 50 triệu USD để trục vớt các xác tàu đắm tại Indonesia và Việt Nam. Một phần của dự án trên là kêu gọi xây dựng các viện bảo tàng và trung tâm bảo tồn khảo cổ tại Việt Nam và Bali (Indonesia).
Nhiều báu vật được tìm thấy
Viễn cảnh có thể phát hiện thêm nhiều kho báu tại eo Malacca đã thu hút không ít những tay truy tìm kho báu đến nơi đây. Walterfang là một trong số đó và có lẽ là người thành công nhất từ trước tới nay.
Phát hiện mới nhất của anh hồi năm 1998 là một quả bom tấn trong giới săn lùng đồ cổ giữa lòng biển sâu. Đó là một xác tàu Ả Rập với hơn 60.000 món gốm sứ và bạc thời nhà Đường ở Trung Quốc. Người ta cho rằng con tàu trên đã chở vật phẩm để chuẩn bị cho một đám cưới rình rang của giới quý tộc tại Ả Rập.
Bên cạnh các kho báu do Walterfang phát hiện, những phát hiện nổi tiếng khác bao gồm trục vớt tàu Nassau vào năm 1995. Các chuyên gia đã tìm thấy một khẩu đại bác bằng đồng trong xác chiếc tàu chiến Hà Lan, bị đắm ngoài khơi Malaysia trong trận chiến dữ dội với các tàu chiến Bồ Đào Nha hơn 400 năm trước.
Một phát hiện đáng chú ý khác là tàu thương mại Diana của Anh vào năm 1993. Con tàu này chìm ở khu vực Malacca vào năm 1817. Những đồ vật trên tàu, bao gồm gốm sứ, đồ đồng và bạc, đã được bán đấu giá tại Hà Lan với số tiền thu được hơn 4,1 triệu USD.
Viễn cảnh kho báu
Jonh Miksic, chuyên gia lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết tương lai hứa hẹn nhiều phát hiện ly kỳ khác không kém cạnh vụ kho báu đời Đường.
Hiện các tay săn lùng kho báu dưới đại dương đang chú tâm tìm kiếm một chiếc tàu thuộc hạm đội Kho báu của đô đốc Trịnh Hòa từ thời nhà Minh.
Thử tưởng tượng một cái bình màu trắng đỏ từ đầu thời nhà Minh mới được bán với giá 10 triệu USD thì cả một con tàu đầy những vật cổ quý hiếm sẽ trị giá đến đâu? Nếu tìm thấy chiếc tàu trên, đây sẽ là một phát hiện vô cùng đắt giá trong lịch sử truy tìm kho báu đương đại.
Theo Thụy Miên
Thanh Niên/Reuters