Trưởng đoàn đàm phán Nga có thu nhập gấp 10 lần Tổng thống Putin
(Dân trí) - Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán của Nga với Ukraine, là người có thu nhập cao nhất trong Điện Kremlin năm 2021, thậm chí cao hơn Tổng thống Vladimir Putin.
Điện Kremlin ngày 15/4 đã công bố bảng kê khai tài sản và thu nhập của các quan chức Nga năm 2021. Theo bảng danh sách này, ông Vladimir Medinsky, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin và hiện là trưởng đoàn đàm phán của Nga với Ukraine, là người có thu nhập cao nhất.
Cụ thể, thu nhập của ông Medinsky năm ngoái là 106,8 triệu rúp (gần 1,28 triệu USD), nghĩa là gấp gần 10 lần thu nhập của Tổng thống Putin. Thu nhập của ông Medinsky đã tăng 6 lần so với năm 2020, trong khi thu nhập của vợ ông cũng tăng từ 47,9 triệu rúp lên 77,3 triệu rúp.
Hai quan chức Điện Kremlin có thu nhập chỉ sau ông Medinsky là ông Vladimir Simonenko, người đứng đầu Văn phòng Quản lý Chuyên gia với 95,8 triệu rúp và Phó Thư ký Hội đồng An ninh Oleg Khramov với 38 triệu rúp.
Trong khi đó, thu nhập của Tổng thống Putin năm 2021 là 10,2 triệu rúp, tăng so với 9,9 triệu rúp năm trước đó. Tài sản của chủ nhân Điện Kremlin không thay đổi, vẫn là hai căn hộ, hai xe hơi Volga, một chiếc SUV Niva. Tất cả bất động sản của ông đều tại Nga, do vậy không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh gần đây.
Ông Vladimir Medinsky sinh năm 1970, là một nhân vật chính trị, học giả và nhà công luận người Nga, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa từ tháng 5/2012 đến tháng 1/2020. Ông Medinsky đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng chung của đảng Nước Nga thống nhất. Hiện tại, ông là một trong những cố vấn đặc biệt của Putin. Ông cũng là người đứng đầu Hiệp hội Lịch sử - Quân sự Nga.
Về lý do Tổng thống Nga Putin chọn ông Medinsky làm nhà đàm phán với Kiev, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Vladimir Medinsky có những phẩm chất giống như một doanh nhân nhất định và thành thạo trong những phân tích chuyên môn sâu sắc nhất. Ông ấy là trợ thủ đắc lực cho Tổng thống Putin. Tất cả những gì cần thiết để tổ chức các cuộc đàm phán và đây là điều mà tổng thống đã tính đến".
Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa", "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Đến nay, phái đoàn hai bên đã tiến hành ít nhất 4 vòng đàm phán trực tiếp và nhiều vòng trực tuyến, song chưa đạt được tiến triển đáng kể. Tổng thống Putin đầu tuần này nói rằng, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đang đi vào "ngõ cụt". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Ukraine sửa dự thảo đề xuất so với nội dung mà hai bên đạt được tại vòng đàm phán diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3.
Nga nhiều lần tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Ukraine cam kết duy trì vị thế trung lập, không gia nhập liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ, công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea và công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk. Kiev cho biết, họ sẵn sàng đàm phán vị thế trung lập nhưng với điều kiện các nước lớn phải cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine. Mặt khác, Ukraine nhấn mạnh không thỏa hiệp về vấn đề lãnh thổ.