Trung Quốc xây “Lầu Năm Góc” trên bãi Chữ Thập
(Dân trí) - Phân tích ảnh vệ tinh mới chụp khu vực bãi đá Chữ Thập cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt nhiều radar hiện đại, trong khi một khu công trình phức hợp tương đương Lầu Năm Góc đang thành hình.
Thông tin được tờ The Diplomat đăng tải, kèm những bức ảnh vệ tinh chụp bãi đá Chữ Thập ngày 3/9. Theo đó các công trình phi pháp Trung Quốc đang xây dựng trên bãi đá này còn lớn hơn cả những nhận định trước đây, trong đó có một khu phức hợp với diện tích tương đương Lầu Năm Góc của Mỹ đang hiện rõ.
Khu phức hợp này, nằm tại phần giữa của hòn đảo nhân tạo cách bờ biển Trung Quốc 1000km, hiện có diện tích chừng 61.000 m2, chưa tính tới các khu đất rộng kế bên. Trên các dải đất này, đã có thêm nhiều nền móng cho những công trình khác được xây dựng.
Để so sánh, Lầu Năm Góc của Mỹ có diện tích 116.000 m2, chưa bao gồm khu vực sân bên trong của khu văn phòng.
Ngoài các công trình xây dựng quy mô lớn đang xuất hiện, ảnh vệ tinh cũng cho thấy so với thời điểm 13/7, thêm nhiều thiết bị quân sự hiện đại đã được đưa tới. Trong số này có một dàn radar hình tròn và một tháp radar đã được dựng trên khu vực cách đây 2 tháng từng chỉ là bãi cát. Tuy vậy, phân tích ảnh vệ tinh cũng cho thấy việc xây dựng căn cứ quân sự tại bãi Chữ Thập có vẻ đã gặp khó khăn và phải điều chỉnh thiết kế.
Đường băng chính trong các bức ảnh chụp ngày 13/7 cho thấy có 7 vị trí bê tông phải gỡ bỏ và thay thế, với 3 trong số những điều chỉnh này có vẻ được thực hiện để thi công đường dẫn nước bên dưới đường băng chính, nhiều khả năng nhằm thoát nước.
Toàn bộ công việc hoàn thiện đường băng đã xong và không còn thấy trong các bức ảnh chụp đầu tháng 9. Hiện chiều dài của đường băng xấp xỉ 3.125m, sau khi được kéo dài thêm 60m ở mỗi đầu.
Trong bức ảnh mới còn xuất hiện một dải đất màu đen chạy song song với đường băng ở khu phía Nam. Theo một số nhà phân tích, không loại trừ khả năng Trung Quốc đang dọn dẹp để chuẩn bị cho một đường băng nữa, nhưng nhiều khả năng đây là một vùng đệm cho đường băng hiện hữu, giáo sư J. David Rogers, đến từ đại học khoa học và công nghệ Missouri, Mỹ cho biết.
Dải đất màu đen chạy song song đường băng được tin là khu vực trồng trọt để giúp giảm tác động xói mòn đất của mưa bão (Ảnh: The Diplomat)
Ông Rogers, một cựu sỹ quan tình báo hải quân Mỹ, chỉ ra rằng “những luống đất trồng trọt, chạy vuông góc với phần đường lăn của đường băng chính” có thể được quan sát trong các bức ảnh độ phân giải cao. Ông cho biết thêm rằng một vùng trồng trọt có thể giúp “ổn định phần hướng ra biển của đường băng chính, giảm tác động xói mòn đất của các cơn bão”, cũng như có khả năng cung cấp thực phẩm tươi.
Bức ảnh chụp bãi Chữ Thập ngày 13/7 từng cho thấy những đống đất có vẻ được chuyển từ nơi khác đến được các xe tải đổ dọc đường băng và san ra. Trong ảnh mới chụp ngày 3/9, những đường xương cá đã xuất hiện trên một phần dải đất đen này, nhiều khả năng là những luống cây đang mọc lên.
Bãi đá Chữ Thập, Xubi và Vành Khăn là những cơ sở quân sự lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng việc xây dựng vẫn tiếp tục và chưa có sự hiện diện của những năng lực phòng thủ hiện đại mà Trung Quốc đã triển khai tại 4 căn cứ trên các bãi đá nhỏ hơn khác, như Châu Viên (tên quốc tế Cuarteron), Gaven, Tư Nghĩa (Hughes) và Gạc Ma (Johnson South).
Các công trình này đều được trang bị những tháp cảm biến hiện đại nhất, các hệ thống bắt và tấn công mục tiêu, radar theo dấu mục tiêu và dẫn đường hỏa lực, cũng như một dàn cảm biến điện tử và hạ tầng liên lạc vệ tinh. Ví dụ, một ảnh vệ tinh chụp ngày 23/8 cho thấy bãi Châu Viên có một loạt ăng ten mới mà ông Rogers tin là tương tự như mạng radar Jindalee của Úc, có tầm bao phủ tới 3000km.
Ảnh vệ tinh ngày 3/9 cho thấy các công trình phù hợp với một hệ thống vũ khí cận chiến điều khiển bằng radar đang được xây dựng trên bãi đá Tư Nghĩa (Ảnh: The Diplomat)
Dựa trên phân tích bóng nắng, dàn cảm biến của bãi Châu Viên, hiện vẫn đang được xây dựng, có vẻ như là một ma trận những cột ăng ten cao tới 19m. Hệ thống radar này từng được khẳng định có thể giúp PLA tiến hành phóng và điều khiển tên lửa Đông Phong 21D, có biệt danh “sát thủ tàu sân bay”, vừa được trình diễn trong cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh.
Việc đưa một hệ thống radar như vậy tới bãi Châu Viên, cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc tới 1000km sẽ mở rộng đáng kể tầm hoạt động của các tên lửa đạn đạo chống hạm của PLA, đồng thời là hệ thống dự phòng trong trường hợp hệ thống dẫn đường qua vệ tinh hoặc trên không bị vô hiệu hóa.
Ngoài ra, các căn cứ mới tại Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Gạc Ma đều có các công trình cao từ 8 đến 10 tầng, giữ vai trò trung tâm chỉ huy và thông tin, với những bục đa giác cao có thể được dùng làm nơi lắp đặt vũ khí. 4 bục tại tòa nhà trung tâm trên bãi Tư Nghĩa có những kết cấu cao phù hợp với một hệ thống vũ khí cận chiến điều khiển bằng radar, dù điều này chưa thể khẳng định hoàn toàn do độ phân giải ảnh.
Thanh Tùng
Theo The Diplomat