1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc viện trợ 90 triệu USD cho Sri Lanka giữa nghi vấn “bẫy nợ”

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc thông báo cung cấp khoản viện trợ trị giá 90 triệu USD cho Sri Lanka sau cuộc gặp cấp cao giữa quan chức hai nước.

Trung Quốc viện trợ 90 triệu USD cho Sri Lanka giữa nghi vấn “bẫy nợ” - 1

Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa (phải) tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Colombo. (Ảnh: AFP)

Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Colombo ngày 12/10 cho biết khoản viện trợ 90 triệu USD sẽ được sử dụng cho lĩnh vực chăm sóc y tế, giáo dục và cung cấp nguồn nước tại khu vực nông thôn của Sri Lanka, đồng thời “đóng góp vào sự thịnh vượng của Sri Lanka trong kỷ nguyên hậu Covid”. Đại sứ quán Trung Quốc gọi gói hỗ trợ tài chính này là “khoản viện trợ kịp thời” cho Sri Lanka.

Thông báo về khoản viện trợ của Trung Quốc được đưa ra không lâu sau chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì dẫn đầu tới Sri Lanka hôm 9/10.

Tại cuộc gặp, quan chức hai nước đã lên kế hoạch tái khởi động các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do. Trước đó, các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước được tổ chức lần gần đây nhất vào năm 2017.

Theo AP, trong cuộc hội đàm với ông Dương Khiết Trì, Tổng thống Sri Lanka Gotabhaya Rajapaksa đề xuất Trung Quốc giúp đỡ ông xóa bỏ quan điểm rằng, các đại dự án do Bắc Kinh rót vốn tại quốc đảo Ấn Độ Dương là “bẫy nợ” nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Sri Lanka.

Trung Quốc coi Sri Lanka là mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường - sáng kiến phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên toàn thế giới của Bắc Kinh. Trung Quốc đã cung cấp hàng tỷ USD dưới dạng các khoản vay cho các dự án tại Sri Lanka trong một thập niên qua. Các dự án này bao gồm cảng biển, sân bay, thành phố cảng, đường cao tốc và nhà máy điện.

Giới chỉ trích cảnh báo rằng các dự án do Trung Quốc rót vốn không hiệu quả về tài chính và Sri Lanka sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ.

Năm 2017, Sri Lanka đã đồng ý cho Công ty cổ phần cảng Trung Quốc thuê cảng Hambantota ở phía nam trong thời hạn 99 năm để đổi lấy khoản tiền 1,1 tỷ USD. Khoản tiền này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka, sau khi nước này vay tiền của Trung Quốc để xây dựng cảng.

Cảng Hambantota chiến lược ở phía nam thủ đô Colombo là nơi phục vụ các tuyến vận tải chính giữa châu Âu và châu Á, đồng thời là một phần trong kế hoạch “chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh gồm một loạt cảng trải dài từ vùng biển của Trung Quốc tới vịnh Péc-xích.

Trung Quốc cũng đồng ý cung cấp khoản vay 989 triệu USD cho Sri Lanka để xây dựng một tuyến đường cao tốc kết nối vùng trồng chè ở miền trung Sri Lanka với cảng biển do Trung Quốc vận hành tại nước này.

Theo SCMP, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng tại Sri Lanka trong nhiệm kỳ lãnh đạo của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa - anh trai của Tổng thống đương nhiệm. Ông Mahinda Rajakapaksa, hiện giữ chức Thủ tướng Sri Lanka, cũng có cuộc hội đàm riêng với ông Dương Khiết Trì hôm 9/10.

Tầm ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc với Sri Lanka khiến nước láng giềng Ấn Độ lo ngại. Ấn Độ lâu nay vẫn coi khu vực Ấn Độ Dương là “sân sau” chiến lược của nước này.

Chuyến đi của ông Dương Khiết Trì tới Sri Lanka diễn ra chỉ vài ngày sau khi ngoại trưởng 4 nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia gặp mặt tại Tokyo. Mục đích của cuộc gặp nhằm tăng cường sự tham gia của 4 nước “Bộ Tứ” vào một sáng kiến khu vực có tên gọi “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  Mở và Tự do”, đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.