1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc tự biến thành “cột thu lôi”

Một số nghị sĩ Mỹ thúc giục chính quyền Tổng thống Barack Obama đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.

Trung Quốc lâu nay vẫn khăng khăng rằng tranh chấp ở biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ với ASEAN. Tuy nhiên, những hành động của nước này lại cho thấy điều ngược lại.

Mây giông ở biển Đông

Ngay sau khi Trung Quốc thông báo đạt được “đồng thuận 4 điểm” với Brunei, Lào và Campuchia về vấn đề biển Đông, nhiều nhà ngoại giao ASEAN chỉ trích đây là động thái can thiệp vào nội bộ ASEAN hoặc nghiêm trọng hơn là gây chia rẽ khối này.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 27-4 nói ông cảm thấy sốc trước những công kích trên, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh “luôn ủng hộ sự phát triển của ASEAN và xem sự phát triển của khối có ý nghĩa quan trọng đối với Đông Á”.

Dù vậy, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một ngày sau đó lặp lại quan điểm “giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan” đã một lần nữa xổ toẹt những gì ông Lưu phát biểu bên lề hội nghị các nhà ngoại giao ASEAN - Trung Quốc tại Singapore.

Máy bay F/A18 cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis ở biển Đông ngày 15-4 Ảnh: AP
Máy bay F/A18 cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis ở biển Đông ngày 15-4 Ảnh: AP

Báo Today (Singapore) nhận định Trung Quốc đang chơi trò “chia rẽ và khuất phục” nguy hiểm với ASEAN. Cho dù ý đồ của Bắc Kinh có ra sao thì cái gọi là “đồng thuận 4 điểm” vẫn bị xem là động thái nhằm phá vỡ sự đoàn kết của ASEAN về biển Đông. Vấn đề là Trung Quốc sẽ không hưởng lợi gì nhiều từ việc ngăn ASEAN bàn chuyện biển Đông.

Không những thế, những nước ASEAN lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc sẽ càng có thêm lý do tìm đến Mỹ và Nhật để làm đối trọng. Trái lại, một ASEAN gắn kết mạnh mẽ sẽ bảo đảm Đông Nam Á vẫn là một khu vực mở, ổn định mà Trung Quốc đang là một đối tác quan trọng.

Giới chuyên gia nhận định âm mưu chia rẽ ASEAN là “đòn phủ đầu” của Trung Quốc nhằm vào phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan về vụ Manila kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông. “Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ để ASEAN không có một tuyên bố mạnh mẽ trong trường hợp phán quyết bất lợi cho nước này” - bà Yanmei Xie, nhà phân tích của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế (ICG) - nhận định với tờ The Washington Post.

Ngoài ra, Trung Quốc dường như còn đang cân nhắc chuyện xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm của Philippines năm 2012. “Những đám mây giông hiện bao trùm biển Đông và Trung Quốc là cột thu lôi” - GS Carlyle Thayer của Trường ĐH New South Wales (Úc), ví von về tình hình biển Đông.

Mỹ trước sức ép phải mạnh tay

Việc bồi đắp bãi cạn Scarborough, nếu có, sẽ là bước đi quan trọng tiếp theo của Trung Quốc để phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông và sẽ càng khiến khu vực thêm căng thẳng. Không những thế, động thái này sẽ đưa quân đội Trung Quốc tới gần hơn các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines. Vì thế, một số nghị sĩ Mỹ thúc giục chính quyền Tổng thống Barack Obama đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.

“Tôi không thấy lý do gì để chúng ta không làm việc đó hàng tuần hay hàng tháng” - hãng tin AP dẫn lời Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bob Corker phát biểu hôm 27-4. Cùng quan điểm, Thượng nghị sĩ Cory Gardner cho rằng việc đưa tàu Mỹ vào khu vực này 3 tháng/lần “không đủ để đưa ra thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc”, nhất là khi Bắc Kinh đã coi mình là một đối thủ địa chính trị của Washington.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng xa lánh và có nguy cơ gây ra xung đột nếu không thay đổi hướng tiếp cận đối với vấn đề biển Đông cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế.

“Chừng nào Mỹ còn duy trì sự hiện diện đầy đủ trong khu vực, mọi lợi thế chiến thuật của Trung Quốc từ các tiền đồn (xây trái phép ở biển Đông) sẽ bị lấn át bởi sự tức giận, hoài nghi ngày càng lớn của các nước láng giềng đang xích lại gần Mỹ hơn” - ông Blinken nhận định.

"Gián điệp" sa lưới

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 27-4 đã truy tố một công dân Trung Quốc sống ở TP Orlando, bang Florida các tội danh: hoạt động gián điệp, âm mưu lừa đảo, rửa tiền, xuất khẩu bất hợp pháp thiết bị không người lái dưới nước (UUV) về đại lục.

Theo cáo trạng, Ifour (trụ sở ở bang Florida) từ năm 2009-2014 và Amin (trụ sở ở bang Ohio) từ năm 2002-2009 là 2 công ty chuyên về lĩnh vực mua sắm trang thiết bị quốc phòng đại diện cho hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN).

Điều hành 2 công ty trên là bà Amin “Amy” Yu đã bắt tay với 5 đồng phạm để thu thập và xuất khẩu thiết bị quốc phòng từ các công ty đặt trụ sở ở Canada, châu Âu và Mỹ về Trung Quốc. Các thiết bị bao gồm UUV, phương tiện điều khiển từ xa dưới nước (ROV), xe tự hành lội nước (AUV)…

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Quản lý xuất nhập cảnh Đông Jakarta - Indonesia đang kiểm tra hoạt động chính xác của 5 công dân Trung Quốc bị bắt tại căn cứ không quân Halim Perdanakusuma hôm 26-4. Những người này không xuất trình được giấy tờ đi lại và lưu trú hợp pháp.

Phạm Nghĩa

Theo Huệ Bình

Người Lao động