Mỹ vạch lằn ranh đỏ ở biển Đông
Nếu lấn tới ở bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh sẽ đối mặt lệnh trừng phạt kinh tế cũng như sự tăng cường vũ khí, khí tài của Washington
Bãi cạn Scarborough đang trở thành điểm nóng tiềm tàng mới trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở biển Đông sau khi có thông tin Bắc Kinh chuẩn bị cải tạo và xây tiền đồn ở đó.
Thông điệp mạnh
Theo tờ The Wall Street Journal, khoảng một tháng trước, quân đội Mỹ bắt đầu phát hiện nhiều tàu của Trung Quốc khảo sát quanh bãi cạn Scarborough - cách bờ biển Philippines 120 hải lý và chỉ cách thủ đô Manila của Philippines 200 hải lý. Dù điểm gần nhất của Trung Quốc đại lục với bãi Scarborough lên tới 470 hải lý nhưng Bắc Kinh vẫn chiếm nơi này vào năm 2012 và gọi nó là đảo Hoàng Nham.
Lo ngại hành động mờ ám của Bắc Kinh, Mỹ đã liên tục thực hiện 3 cuộc tuần tra trên không gần Scarborough những ngày gần đây. Thông điệp của Washington rất rõ ràng: Bãi cạn này là trung tâm của an ninh hàng hải trong khu vực! Cuộc tuần tra đầu tiên diễn ra hôm 19-4, tức 4 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo một loạt cuộc tuần tra chung với Philippines.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế. Điều này cực kỳ quan trọng, kinh tế quốc tế và tự do thương mại đều phụ thuộc vào khả năng duy trì sự lưu thông hàng hóa của chúng tôi. Ngày nay, không có quốc gia nào có nền kinh tế độc lập hoàn toàn với các nước khác” - đại tá Larry Card, Chỉ huy Đội Tuần tra của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (Mỹ), nhấn mạnh.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, Washington đã tìm cách hạ nhiệt quanh vấn đề bãi cạn Scarborough trong những tuần gần đây. Thậm chí, một cuộc tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông được lên kế hoạch trong tháng 4 cũng bị hoãn. Tuy nhiên, đến tuần rồi, Không lực Mỹ đã buộc phải hành động quyết liệt trở lại khi thấy Trung Quốc có những động thái liều lĩnh ở bãi cạn Scarborough. Mỹ, Philippines lo ngại Trung Quốc sẽ sớm cải tạo nơi này để đáp trả phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan về vụ Manila kiện yêu sách “đường 9 đoạn” sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông.
Lằn ranh đỏ
Một hành động như thế tiến sát “lằn ranh đỏ” đối với Mỹ và Philippines do khoảng cách gần giữa bãi cạn Scarborough và những căn cứ quân sự mà Mỹ tái triển khai quân trong tháng này. Giới chức Mỹ cảnh báo sẽ đáp trả mạnh nếu kịch bản này xảy ra.
“Chúng tôi sẵn sàng có những bước đi nhằm củng cố vị trí lâu dài của mình ở biển Đông” - một quan chức nói với The Wall Street Journal. Những bước đi này có thể là trừng phạt kinh tế Trung Quốc và tăng cường vũ khí, khí tài trong khu vực. Một lựa chọn khác là hủy lời mời Bắc Kinh dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC tại Hawaii vào mùa hè này. Đó sẽ là hành động khiến Trung Quốc bị mất mặt trước cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc phỏng vấn phát trên đài truyền hình CBS hôm 26-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc hành xử như “một đứa trẻ to xác” thay vì tuân thủ luật và quy định quốc tế. Mặc dù khẳng định không tìm cách chống lại Trung Quốc mà chỉ muốn hai bên hợp tác hiệu quả, ông chủ Nhà Trắng vẫn nhấn mạnh: “Một khi họ (Trung Quốc) vi phạm luật và quy định quốc tế, chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm”.
Những diễn biến trên chắc chắn sẽ phủ bóng đen lên cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào đầu tháng 6 tới. Nhà Trắng ngày 27-4 cho biết tại sự kiện này, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew cùng các quan chức hàng đầu khác của Mỹ sẽ hội đàm với ông Dương Khiết Trì và Uông Dương về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu hiện tại cũng như lâu dài. Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc cho rằng biển Đông vẫn sẽ là vấn đề nổi bật trong đối thoại năm nay.
ASEAN - Trung Quốc đối diện
Căng thẳng leo thang ở biển Đông có thể bao trùm hội nghị ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Singapore trong ngày 27 và 28-4, vài tuần trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague dự kiến ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Phát biểu trước thềm hội nghị, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết cuộc gặp nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc vào tháng 9 tới cũng như thảo luận vấn đề thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định sẽ có những cuộc thảo luận “căng thẳng” tại hội nghị trên, nhất là khi Bắc Kinh đang bị chỉ trích là can thiệp vào công việc nội bộ và âm mưu chia rẽ ASEAN. Làn sóng công kích này xuất hiện sau khi Trung Quốc thông báo đạt được “đồng thuận 4 điểm” với Brunei, Lào, Campuchia về biển Đông.
Phát biểu khi thăm Nhật Bản hôm 26-4, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi ASEAN và nước chủ nhà tăng cường hợp tác để duy trì pháp trị trên biển. “Singapore và Nhật Bản có lợi ích trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không” - ông Balakrishnan nhấn mạnh. Cả Nhật và Singapore không ít lần bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và tiền đồn phi pháp trên biển Đông nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của mình.
Cùng ngày, Bắc Kinh cảnh báo Tokyo ngưng đưa ra những phát biểu thiếu thận trọng về biển Đông sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida có bài phát biểu về quan hệ Nhật - Trung hôm 25-4. Theo Tân Hoa Xã, ông Kishida đã bày tỏ nỗi lo ngại về “sự gia tăng chi tiêu quân sự nhanh chóng và không minh bạch của Trung Quốc” cũng như những hoạt động của nước này ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Huệ Bình
Theo THU HẰNG
Người Lao động