Trung Quốc ra sức vận động hành lang trước phán quyết về Biển Đông
(Dân trí) - Trung Quốc đang đẩy mạnh các chiến dịch vận động hành lang để tranh thủ sự ủng hộ của các nước trước khi Tòa trọng tài thường trực PCA ở The Hague Hà Lan ra phán quyết về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.
Bắc Kinh ngang ngược nói rằng đã đạt được đồng thuận với Belarus và Pakistan - 2 nước không dính líu tới tranh chấp trên Biển Đông - ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này. Trước đó hôm 28/4, Bắc Kinh đã có hai cuộc họp riêng với ngoại trưởng của Belarus và Pakistan bên lề Hội nghị Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á.
Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang soạn thảo kế hoạch 5 năm về hợp tác tại các vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN, Tân Hoa xã cho biết.
Trung Quốc nói rằng nước này đã nhất trí với Campuchia, Lào và Brunei rằng tranh chấp sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, tờ Phnom Penh Post dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết Campuchia không có thỏa thuận mới nào với Trung Quốc liên quan đến các vấn đề tranh chấp.
Cũng theo thông tin từ Bộ quốc phòng Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ gửi tàu khu trục mang tên lửa Lanzhou và các lực lượng đặc nhiệm tới tham dự cuộc tập trận về chống khống khủng bố và đảm bảo an ninh hàng hải vào tháng tới cùng các nước ASEAN ở vùng biển giữa Singapore và Brunei.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng ra sức tiếp cận các nước châu Âu và châu Phi để củng cố nền tảng ngoại giao trước khi Tòa trọng tài thường trực PCA ở The Hague Hà Lan ra phán quyết về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.
Truyền thông đại lục đưa tin rằng hơn 10 nước đã đứng về phía Trung Quốc, đồng thời một thỏa thuận chung giữa Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cũng khẳng định các tranh chấp nên được giải quyết trên bàn đàm phán. Mặc dù vậy, các động thái ngoại giao của Trung Quốc đã làm dấy lên quan ngại rằng việc Bắc Kinh một mặt đem vấn đề tranh chấp ra vũ đài quốc tế để tìm kiếm sự ủng hộ nhưng mặt khác lại khăng khăng lập trường chỉ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp song phương có thể sẽ phản tác dụng.
“Các nước trong khu vực muốn hợp tác với Trung Quốc và duy trì quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, họ không muốn bị ép buộc hay hăm dọa về các chính sách an ninh và kinh tế. Các bên tranh chấp cũng muốn theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”, Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie - Tsinghua nhận định.
Tuy nhiên, Zhu Feng, Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh Trung Quốc lại cho rằng, Bắc Kinh không còn “lựa chọn” nào khác vì Mỹ cũng đang có những động thái tương tự. Cựu Chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Delhi, Manoranjan Mohanty, nhận xét rằng các nước đang phải chịu áp lực từ cả Trung Quốc và Mỹ vì Washington cũng đang tìm cách gây áp lực với các nước thành viên ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Chiến dịch vận động hành lang của Trung Quốc được tăng cường sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác và xúc tiến các cuộc tập trận quân sự đa phương với các nước Đông Nam Á. Hơn nữa Bắc Kinh cũng kêu gọi các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, khiến nhiều nước rơi vào tình thế khó xử khi không biết phải đứng về phía Trung Quốc hay Mỹ.
Trong khi đó, Washington hôm 28/4 cho rằng hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị xấu đi nếu nước này phớt lờ không thực thi các phán quyết của Tòa PCA về tranh chấp trên Biển Đông, từ đó khiến các nước trong khu vực rời xa Trung Quốc và tiến gần hơn về phía Mỹ. Cùng với đó, Mỹ cũng thúc giục các nước ASEAN bắt tay với nhau để ủng hộ phán quyết của Tòa.
Phán quyết dự định sẽ được đưa ra vào tháng tới và nhiều khả năng sẽ bất lợi cho Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển nhưng nước này luôn một mực phủ nhận quyền hạn của Tòa PCA, cho rằng tòa án này không đủ thẩm quyền xét xử.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã khẳng định rằng, Trung Quốc “không thể cái gì cũng muốn” như vậy được, “là một bên trong Công ước nhưng lại từ chối thực thi các điều khoản của Công ước, trong đó có điều khoản quy định sự ràng buộc của các phán quyết của Tòa đối với các bên có liên quan”.
Ông Blinken cũng khẳng định quan điểm của Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo các nước ASEAN rằng các tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và thông qua các chế tài pháp lý.
Thành Đạt
Tổng hợp