Nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc đã dính phải vòng lao lý khi vi phạm các quy định liên quan đến chơi golf
Đó là golf – một thú vui "quý tộc" chỉ dành cho các vị đại gia lắm tiền nhiều của.
Trong các bản báo cáo gần đây, cơ quan truyền thông của chính phủ đã mô tả sân golf đã trở thành tụ điểm lôi kéo giới chức chính phủ vào con đường lầm đường lạc lối. Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại đang bị điều tra vì nghi ngờ dính đến phi vụ cho phép một công ty chi trả toàn bộ chi phí chơi golf cho ông ta.
Theo như những báo cáo gần đây, các cơ quan chống tham nhũng cấp tỉnh của Đảng Cộng sản Trung quốc đã thiết lập một đường dây nóng để có thể nhận những cuộc gọi tố cáo các vị quan chức vi phạm một trong chín điều luật quy định cụ thể khi chơi golf, bao gồm hành vi cá cược, chơi cùng những người có liên quan đến công việc của mình, tham dự các buổi tiệc liên quan đến golf hay giữ vị trí quan trọng trong các câu lạc bộ.
“Giống như rượu, thuốc lá, siêu xe hay biệt thự, golf là một công cụ quan hệ công chúng mà giới thương nhân thường sử dụng để dụ dỗ các nhân vật quan chức. Các sân golf dần biến thành một ‘đầm bùn lầy’ nơi mà họ dùng tiền để đổi lấy quyền lực”, tờ báo thuộc cơ quan chống tham nhũng của chính phủ tuyên bố hôm 9/4 vừa qua.
Tờ tuần báo "The Legal" trực thuộc Bộ Tư pháp mới đây công bố danh sách 15 quan chức cấp cao đã vướng phải vòng lao lý trong suốt một thập kỉ qua vì những vi phạm quy định liên quan đến việc chơi golf. “Golf là một bộ môn dành cho những nhà quý tộc, nhưng dần nó đã bị biến chất, thậm chí nhiều quan chức đã phải lĩnh án tù vì những tội danh liên quan đến golf”, tờ báo nhận xét.
Tại tỉnh miền nam Quảng Đông nơi có sân golf lớn nhất
thế giới Mission Hills Golf Club, các quan chức chính phủ cũng bị cấm chơi golf trong giờ làm việc nhằm “ngăn chặn các hành vi không lành mạnh và bất hợp pháp”.
Bộ môn golf từ trước đến nay đã nhiều lần bị hạn chế ở Trung Quốc. Khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, cố Chủ tịch Mao Trạch Đông từng chỉ trích golf là “bộ môn thể thao dành cho các nhà triệu phú”. Các sân golf được xây dựng cho người nước ngoài thời bấy giờ đều được biến thành công viên, sở thú và các trang trại. Trong suốt 3 thập kỉ, bộ môn này gần như biến mất ở Trung Quốc. Đến năm 1984, sau khi sân golf đầu tiên được mở cửa trở lại Quảng Đông, môn thể thao này mới quay trở lại thu hút người dân.
Chính phủ Trung Quốc đã cấm việc xây dựng các sân golf mới vào năm 2004, vì lo ngại sẽ ảnh hưởng tới môi trường, đặc biệt là đến nguồn nước và đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng điều đó không thể ngăn cản sự phát triển của bộ môn này. Bất chấp lệnh cấm của chính phủ, hiện nay số sân golf tại Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần đến con số hơn 600 so với năm 2004.
Sau nhiều năm cảnh cáo, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia hôm 30/3 vừa qua cho biết, 66 sân golf xây dựng trái phép tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân đã phải đóng cửa, 20 sân golf ở các tỉnh khác cũng phải dừng hoạt động, đồng thời ngầm ám chỉ cuộc điều tra vẫn tiếp tục được triển khai.
Trước những lời chỉ trích về sự biến chất của golf, nhiều tay chơi golf đã lên tiếng phản đối cho rằng không hề có mối liên hệ nào giữa việc chơi golf và tham nhũng. “Trên thế giới này có rất nhiều quan chức và thậm chí lãnh đạo các nước chơi golf. Tại sao chỉ có ở Trung Quốc, bộ môn này lại bị ghép chung với vấn nạn tham nhũng?", Lin Xiang – một huấn luyện viên chơi golf ở Thượng Hải bức xúc bày tỏ trên mạng xã hội.
Theo Hồng Hạnh/NYT/baotintuc.vn