Vì sao Trung Quốc “tuyên chiến” với sân golf?

Bắc Kinh dường như đang sử dụng chiến dịch chống sân golf để khẳng định quyền kiểm soát thị trường bất động sản...

Vì sao Trung Quốc “tuyên chiến” với sân golf?
Trung Quốc vốn đối mặt với tình trạng thiếu nước và ô nhiễm đất ngay cả khi không có sân golf. Trong năm 2012, mức tiêu thụ nước tại các thành phố đã lớn hơn nguồn cung cấp 70%. (Ảnh: Getty Image)
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

“Nữ hoàng tháng Tư” từ vườn ra phố: Giá không “mềm” vẫn đắt khách

* Đầu tư công: Trĩu nặng nợ đọng xây dựng cơ bản

* Xuất khẩu cá tra sang Mỹ, EU giảm, Trung Quốc tăng

* Sau kiểm toán, Petrolimex từ lãi “biến” thành lỗ!

* Xe nhập châu Âu rẻ trăm triệu: Nhà giàu lại sướng

* Đắt như... nước ngọt

Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc mới đây đóng cửa 66 sân golf xây dựng trái phép trên toàn quốc, trong đó có ba sân ở Bắc Kinh. Nhiều sân golf khác đứng trước nguy cơ bị đóng cửa bất cứ lúc nào.

Hai phần ba trong tổng số gần 600 sân golf trên cả nước được cho là vi phạm lệnh cấm ban hành năm 2004.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chống sân golf. Năm 1949, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông cho rằng đây là môn thể thao của tầng lớp “tư sản" và đã cho phá hủy tất cả sân golf trên toàn quốc vào thời điểm đó. Vườn thú Thượng Hải ngày nay nằm trên nền của một sân golf cũ.

Nhưng chính phủ Trung Quốc hiện nay có những lý do riêng để nhắm đến môn thể thao này.

Golf len lỏi trở lại Trung Quốc trong những năm 1980, cùng lúc với tự do kinh doanh. Hầu như không có người Trung Quốc nào vào thời điểm đó biết chơi golf.

Tuy nhiên, cũng giống như ở phương Tây, các doanh nhân Trung Quốc coi môn thể thao này như một cơ hội để xây dựng quan hệ kinh doanh. Nó cũng là một cơ hội thuận lợi cho giới thượng lưu mới nổi Trung Quốc theo đuổi môn thể thao quý tộc này.

“Cuộc chiến” chống sân golf dường như là một phần chiến dịch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chống xa hoa lãng phí trong giới chức chính phủ, những người được cho là chơi golf thường xuyên nhất, theo tác giả Adam Minter của hãng tin Bloomberg. Báo chí Trung Quốc đưa tin cùng ngày với việc đóng cửa sân golf, một quan chức của Bộ Thương mại bị điều tra vì chơi golf.

Ngoài ra, Bắc Kinh dường như đang sử dụng chiến dịch chống sân golf để khẳng định quyền kiểm soát thị trường bất động sản.

Trong những năm gần đây, nhu cầu của nhà đầu tư tìm kiếm đất để phát triển xung đột với các ưu tiên sử dụng đất của chính quyền trung ương.

Bắc Kinh muốn Trung Quốc có thể tự chủ về nông nghiệp, nhưng sự phát triển của thị trường bất động sản ngày càng thu hẹp đất canh tác. Trong năm 2013, chính phủ nước này cho biết Trung Quốc chỉ có vừa đủ đất canh tác cho nhu cầu sử dụng.

Đây không chỉ là sự xung đột giữa chính phủ và các nhà đầu tư, mà còn là vấn đề giữa chính quyền trung ương và địa phương. Các quan chức địa phương thường coi cho thuê đất làm sân golf là một cách tăng ngân sách địa phương.

Mặc dù chính phủ trung ương đã có thể biết về những giao dịch như vậy trong nhiều năm và thậm chí ngầm chấp thuận một số trường hợp để khuyến khích phát triển kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc chống sân golf còn do lo ngại về môi trường. Sân golf có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường bởi nhu cầu sử dụng nhiều nước. Hơn thế, hóa chất và thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều.

Trung Quốc vốn đối mặt với tình trạng thiếu nước và ô nhiễm đất ngay cả khi không có sân golf. Trong năm 2012, mức tiêu thụ nước tại các thành phố đã lớn hơn nguồn cung cấp 70%.

Để đáp ứng những nhu cầu đó, Trung Quốc đang xây dựng một loạt kênh lớn dẫn nước từ miền nam lên miền bắc khô cằn. Trong khi đó, gần 20% đất đai tại Trung Quốc bị ô nhiễm và chính phủ nước này đang cố gắng kiểm soát sử dụng thuốc trừ sâu.

Đóng cửa 66 sân golf cùng lúc là một khởi đầu mạnh mẽ, và đối với các quan chức Trung Quốc, những ngày trên sân golf đã kết thúc.
 
Theo Nguyễn Ánh
VNEconomy

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”