1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc, Triều Tiên lên tiếng khi lãnh đạo NATO công du châu Á

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc và Triều Tiên lên tiếng giữa lúc Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tới thăm Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trung Quốc, Triều Tiên lên tiếng khi lãnh đạo NATO công du châu Á - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Ảnh: Global Times).

Cuối tuần qua, Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã tới thăm Hàn Quốc và hôm nay ông đã tới Nhật Bản để tiếp tục chuyến công du 2 nước châu Á. Chuyến thăm của lãnh đạo NATO đã khiến Trung Quốc và Triều Tiên lên tiếng, cho rằng hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của khối liên minh do Mỹ dẫn đầu không được chào đón ở châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Seoul hôm 30/1, ông Stoltenberg cho biết, phương Tây ngày càng chú ý tới Trung Quốc, nhưng không coi Bắc Kinh "là kẻ thù". Mặc dù vậy, ông cho rằng: "Trung Quốc đặt ra thách thức đối với các giá trị, lợi ích và an ninh của chúng ta". Do đó, NATO đã gia tăng sự quan tâm tới Trung Quốc trong chương trình nghị sự chung.  

Bình luận về phát biểu trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: "Trung Quốc là đối tác của tất cả các nước, không phải là thách thức" và Bắc Kinh "không gây ra mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh của bất kỳ quốc gia nào".

Bà Mao cho rằng, NATO đang làm gia tăng mối quan ngại vì họ đang vượt ra ngoài "khu vực phòng thủ truyền thống của liên minh". "NATO đang hướng tới các khu vực mới, củng cố quan hệ an ninh và quân sự với các nước châu Á -Thái Bình Dương. Những diễn biến như vậy đòi hỏi các nước trong khu vực phải cảnh giác cao độ".

"Chúng tôi hy vọng NATO từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và tâm lý đối đầu theo khối và thực thi những điều sẽ đóng góp cho an ninh và ổn định của châu Âu và thế giới", bà Mao phát biểu.

Và đối với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bà nói: "Chúng tôi hy vọng các nước trong khu vực sẽ tiếp tục cam kết với con đường hợp tác đúng đắn ở châu Á - Thái Bình Dương và đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của thế giới".

Trong bài phát biểu hôm qua, ông Stoltenberg cũng đề cập đến những lo ngại về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng gia tăng tần suất thử tên lửa trong hơn một năm qua.

Ông nhấn mạnh, các đồng minh NATO đã "rất mạnh mẽ kêu gọi Triều Tiên tuân theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc" nhằm ngăn Bình Nhưỡng theo đuổi các vụ thử tên lửa và phát triển vũ khí hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên sau đó đăng tải một bài viết của một học giả có tựa đề: "Có phải chuyến thăm của tổng thư ký NATO nhằm mục đích thúc đẩy thành lập phiên bản NATO châu Á?".

Nhà nghiên cứu viết: "Ai cũng biết rằng NATO từ lâu đã liên tục nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đã trở thành trung tâm chiến lược của thế giới".

Bài viết cũng nhắc tới việc Hàn Quốc bán vũ khí cho Ba Lan và Nhật Bản phát triển máy bay chiến đấu với Anh và Italy. Nhà nghiên cứu cho rằng, bước đi này cho thấy NATO muốn "sử dụng Hàn Quốc và Nhật Bản để mở rộng tầm ảnh hưởng" ở khu vực.

Theo Newsweek