1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc triệt bè phái địa phương

Giới quan sát cho rằng hiện tượng những lãnh đạo đảng của một thành phố bị điều tra có thể trở nên phổ biến, nhất là tại những tỉnh kém phát triển.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc hôm 10-4 thông báo điều tra tham nhũng Bí thư Thành ủy Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) Cao Kính Tùng. Điều đáng nói là ông Cao trở thành bí thư thứ ba liên tiếp bị cách chức ở Côn Minh.

Chiếc ghế “chết”

Ông Cao mới lên nhậm chức hồi tháng 8-2014 sau khi người tiền nhiệm bị cách chức vì tội thiếu trách nhiệm dẫn đến “thất thoát tài sản nhà nước”.
 
Theo báo The Straits Times (Singapore), Côn Minh không phải là địa phương duy nhất chứng kiến “sếp” liên tục mất ghế thời gian qua. Ít nhất 3 nhân vật từng hoặc đang làm bí thư thành ủy tại các thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây), Đại Hưng (tỉnh Giang Tây) và Mậu Danh (tỉnh Quảng Đông) bị điều tra hoặc cách chức.
 
Học giả Trần Cương, Viện Nghiên cứu Đông Á (EAI) của Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS), nhận định chức vụ bí thư thành ủy ở Trung Quốc, nhất là tại thủ phủ của một tỉnh, là chiếc ghế quyền lực và có nhiều “cơ hội” nhận hối lộ.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn tại phiên xử hôm 13-4. (Ảnh:
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn tại phiên xử hôm 13-4. (Ảnh: SCMP)

Trong khi đó, ông Willy Lam, chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc thuộc Trường ĐH Hồng Kông, chỉ ra rằng chính trường ở các thành phố nhỏ hoặc các tỉnh kém phát triển thường bị một hoặc hai bè phái chi phối. Do đó, mỗi khi có ai đó bị điều tra, những người cùng thuyền khó lòng thoát nạn. Giới quan sát cho rằng hiện tượng lãnh đạo đảng của một thành phố bị điều tra có thể trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nhất là tại những tỉnh kém phát triển.

Người nhận, kẻ chối

Tờ Tân Kinh ngày 14-4 đưa tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc đã lập án điều tra cựu Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Tây Nhậm Nhuận Hậu vì tội nhận hối lộ, vơ vét công quỹ, bổ nhiệm cán bộ bừa bãi để trục lợi. Trước đó 1 ngày, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn thừa nhận các tội danh hối lộ, lạm quyền và xin được hưởng khoan hồng tại tòa. Ông Tưởng được cho là có liên hệ với cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, người cũng đang bị điều tra tham nhũng, dù cơ quan công tố chưa chỉ ra mối liên hệ cụ thể.

Trái lại, trong phiên xử tại Tòa án Trung thẩm TP Chu Hải (tỉnh Quảng Đông) hôm 13-4, cựu giám đốc chi nhánh thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc Đào Ngọc Xuân đã bác bỏ tội nhận hối lộ, biển thủ tài sản công lên tới 52 triệu nhân dân tệ (khoảng 8,4 triệu USD) và gây thất thoát cho nhà nước 261 triệu nhân dân tệ. Người này chỉ nhận tội lợi dụng vị thế để giúp các công ty của người thân, bạn bè thu được những khoản lợi bất chính. Trường hợp của ông Đào được cho là một hiện tượng cá biệt bởi tỉ lệ kết án ở Trung Quốc là 99,93% và hầu hết các bị cáo có thái độ hợp tác trong phiên tòa hầu mong được khoan hồng.

Thảm họa “không điểm dừng”
Chính ủy Quân khu Lan Châu, Trung tướng Lưu Lỗi, hôm 13-4 nói với Nhân Dân nhật báo rằng nếu thất bại trong việc xử lý nghiêm các tướng tham nhũng sẽ gây ra thảm họa “không điểm dừng” cho quân đội. Theo ông Lỗi, một số tướng lĩnh hàng đầu ở Trung Quốc cảm thấy họ có thể đứng trên pháp luật. Quân khu Lan Châu chính là căn cứ quyền lực của cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Quách Bá Hùng. Cả ông Quách lẫn con trai là Thiếu tướng Quách Chính Cương đều đang bị điều tra tham nhũng.
 
Theo Huệ Bình
Người Lao động