Trung Quốc trên con đường “xâm chiếm” toàn cầu
Có thể nói chưa bao giờ sức mạnh kim tiền của Trung Quốc được thể hiện bằng lúc này… Và cũng chưa bao giờ người châu Âu bắt đầu thận trọng hơn với Trung Quốc bằng lúc này...
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, Trung Quốc đã đầu tư 859 triệu USD vào châu Âu trong các lĩnh vực phi tài chính, tăng 99,3% so với năm 2010; trong cùng thời gian họ mua số trái phiếu chính phủ EU trị giá 50-60 tỉ USD; chưa kể khoản cho vay được hứa 1 tỉ USD đối với các nước Caribê. Có thể nói chưa bao giờ sức mạnh kim tiền của Trung Quốc được thể hiện bằng lúc này… Và cũng chưa bao giờ người châu Âu bắt đầu thận trọng hơn với Trung Quốc bằng lúc này bởi đằng sau những thương vụ đầu tư còn là những toan tính chính trị mang màu sắc thôn tính!
Đổ vốn vào châu Âu
Tình thế nợ nần chồng chất hiện tại khiến EU khát tiền nghiêm trọng càng giúp Trung Quốc có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào châu Âu. Mà Trung Quốc lại đang thừa tiền. Kho dự trữ ngoại hối Trung Quốc đã tăng thêm 350 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2011, đạt tổng cộng 3,2 ngàn tỉ USD. Nhiều nước châu Âu bức bách tài chính đang phải muối mặt “xin tiền” cứu trợ từ Trung Quốc. Thượng tuần tháng 9/2011, Lâu Kế Vĩ, Chủ tịch Công ty đầu tư Trung Quốc (CIC – một trong những nguồn quỹ đầu tư tài chính lớn nhất thế giới), đã đến Rome để nghe Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti “thuyết trình” về kế hoạch vay.
Cuối tháng 8/2011, một phái đoàn Italia cũng sang Bắc Kinh bàn chuyện “vay nóng” nhằm giúp Italia giải quyết được phần nào gánh nợ 1,9 ngàn tỉ euro. Và trong chuyến công du Bắc Kinh năm 2010, Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodriguez Zapatero nói rằng, ông hy vọng Trung Quốc mua công trái nước mình để Madrid tránh được bóng ma phá sản. Trung Quốc đã mua số công trái Tây Ban Nha trị giá 400 triệu euro vào tháng 7/2010 nhưng Tây Ban Nha vẫn còn khát tiền.
Tại Hy Lạp, quốc gia khốn đốn nhất EU, Bộ trưởng nhà nước nước này Haris Pamboukis đã chẳng ngượng mồm khi nói: “Sự giúp đỡ của những người bạn Trung Quốc thật là may mắn cho chúng tôi!” – như một phản hồi nhẹ nhõm trước lời hứa mang đến số hợp đồng làm ăn trị giá hàng tỉ USD trong chuyến kinh lý Athens tháng 9/2011 của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Tại Italia, Công ty Tàu nhà nước Trung Quốc Cosco (China Ocean Shipping – “Trung Quốc Viễn Dương”) đang tham gia dự án mở rộng cảng Napoli; trong khi Công ty Du lịch - vận chuyển hàng hóa HNA (Hải Nam, Trung Quốc) đang đàm phán việc xây một cảng hàng không tại Bắc Italia...
Cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc - EU tháng 2/2012 tại Bắc Kinh
Toàn cảnh, theo tờ Financial Times Deutschland, Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba mức độ đầu tư tài chính vào châu Âu kể từ 2007 đến nay; và với thảm cảnh châu Âu ngập trong nợ công, Trung Quốc càng sẵn sàng “mở rộng cánh tay giúp đỡ” – như phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức ở Đại Liên (Liêu Ninh) ngày 14/9/2011. Thật ra không phải đợi đến lúc châu Âu lún ngập trong nợ Trung Quốc mới đổ bộ vào EU mà họ đã thâm nhập khu vực này từ vài năm qua.
Đầu năm 2011, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường đã thân chinh đến Tây Ban Nha, Anh và Đức với loạt cam kết trong đó có loạt bản ghi nhớ hợp đồng trị giá 7,5 tỉ USD với nước này; đặc biệt thương vụ mua số cổ phần 7,1 tỉ USD trong công ty dầu khí lớn nhất Tây Ban Nha Repsol). Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha hiện chiếm 30% vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu trong khi các nước Đông Âu chiếm 10%. Chỉ từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, các công ty và nhà băng Trung Quốc đã đổ vào châu Âu 64 tỉ USD (chiếm hơn ½ tổng vốn đầu tư Trung Quốc vào châu Âu kể từ đầu năm 2008). Dự báo, đầu tư Trung Quốc vào châu Âu có thể tăng đến 1 ngàn tỉ USD vào năm 2020…
Lợi dụng tình hình suy thoái
Ủy viên EU Antonio Tajani nói về làn sóng đầu tư Trung Quốc vào EU: “Đã đến lúc trang bị phòng cháy trước khi căn nhà bị thiêu”! |
Châu Âu chẳng còn cách nào khác khi phải mở rộng cửa cho nguồn đầu tư Trung Quốc, từ nhà nước đến tư nhân. Quả là “chua xót” khi một công ty vận tải thành lập từ năm 1899 như Manganese Bronze Holdings PLC (nơi nổi tiếng với những chiếc taxi đen thiết kế theo phong cách cổ của Anh) bây giờ một phần đã thuộc sở hữu Công ty Geely (Cát Lợi khống cổ tập đoàn), nơi hiện cũng sở hữu Hãng xe Volvo của Thụy Điển. Trong khi đó, CIC hiện chiếm 1/3 cổ phần trong Tập đoàn Bất động sản Songbird Estates (nơi quản lý Canary Wharf Group, công ty bất động sản số một London).
Ngân hàng Trung ương Anh dù chưa thuộc về tay Bắc Kinh nhưng nó đang bị vây kín bởi các đối thủ ngân hàng Trung Quốc khi họ mua hoặc thuê khoảng 28.000m2 diện tích văn phòng kể từ khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ. Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), có mặt tại London từ năm 1929, gần đây đã chuyển trụ sở tại nơi có thể nhìn xuống cái “chóp đầu” của Ngân hàng Trung ương Anh. Và tại King William Street, người ta đang xây dựng trụ sở mới cho ICBC (Trung Quốc công thương ngân hàng)... Với nhiều nước châu Âu khác, làn sóng nhuộm đỏ cũng xuất hiện. Saab Automobile AB – hãng xe hơi tên tuổi có mặt từ năm 1937 – nay thoi thóp chờ chiếc phao cứu sinh Trung Quốc.
Ngày 7/9/2011, Saab đã đệ đơn xin bảo hộ tránh phá sản lần thứ hai trong vòng chưa đầy 3 năm, hy vọng còn sống lay lắt để chờ Bắc Kinh chuẩn y thương vụ sáp nhập trị giá 235 triệu euro ký hồi tháng 6/2011 với Pang Da Automobile (Bàng Đại khí mậu tập đoàn) và Zhejiang Youngman Lotus Automobile (Chiết Giang Thanh niên Liên hoa tập đoàn)… Victor Meijers, người Hà Lan và là đối tác nước ngoài duy nhất trong DeHeng Law Offices (Đức Hằng luật sư sự vụ sở - một trong những hãng luật lớn của Trung Quốc), cho biết mình liên tục nhận được yêu cầu hỗ trợ tư vấn pháp lý từ các công ty châu Âu đang gặp khó khăn muốn tìm nguồn vốn Trung Quốc…
Có thể nói, nhịp chân đổ bộ rầm rập với khí thế của kẻ có tiền Trung Quốc đang vang khắp hang cùng ngõ hẻm châu Âu. Mực chưa ráo ở bản hợp đồng này đã lại xuất hiện những cái bắt tay sáp nhập khác. “Chúng tôi cần mua một công ty thực phẩm nằm trong top 3 châu Âu” – phát biểu của Vương Tông Nam, Chủ tịch Công ty Quang Minh thực phẩm (Bright Food Group), trong một chuyến thăm dò thị trường EU. Đầu tư từ các công ty Trung Quốc vào châu Âu đạt tổng cộng 853 triệu USD từ năm 2003 - 2005 đã tăng đột biến lên 43,9 tỉ USD từ năm 2008 - 2010. Tổng quát, các công ty Trung Quốc đang kiểm soát 118 doanh nghiệp châu Âu. Giữa năm 2011, Lenovo (Liên Tưởng tập đoàn) đã đồng ý mua 37% Medion AG (hãng máy tính - điện tử tiêu dùng của Đức). Đó là chưa kể những thương vụ sáp nhập nhỏ chẳng hạn mua một hãng thuốc lá Czech; một hãng thuốc tây Hà Lan hay một nhà sản xuất gỗ Anh.
Trong cuộc thăm dò năm 2009, 1/3 công ty lớn Trung Quốc cho biết họ có làm ăn ở EU. Sự hiện diện sức mạnh kim tiền Trung Quốc tại châu Âu còn thể hiện ở nhiều dạng thức khác. Tại thành cổ Prato gần Florence (Italia), Trung Quốc đang xây một “căn cứ đổ bộ” gồm 4.800 công ty với số vốn 2 tỉ euro cùng 40.000 công nhân người Hoa. Tại Kalmar (Thụy Điển), Trung Quốc đang lên kế hoạch xây một trung tâm buôn sỉ rộng 70.000m2 chuyên bán hàng hóa Trung Quốc. Tại Kista (Thụy Điển), Hãng viễn thông khổng lồ Hoa Vi (Huawei) đã lập một trung tâm R&D ngay sát tổng hành dinh Hãng Ericsson với 280 kỹ sư của mình trong đó có 200 kỹ sư lôi kéo từ Ericsson sang…
Canh bạc chính trị
Với Trung Quốc, cánh cửa vào châu Âu dường như dễ chịu hơn so với Mỹ, không chỉ bởi EU đang khẩn cấp cần tiền mà chính sách cho đầu tư nước ngoài của họ cũng khá lỏng lẻo. Điển hình, tập đoàn viễn thông điện tử Hoa Vi hiện vẫn bị cấm cửa trong những thương vụ sáp nhập tại Mỹ (bị khước từ thương vụ mua 3Leaf Systems vào đầu năm 2011) nhưng vẫn được trải thảm đỏ tại EU. Ở châu Âu, Trung Quốc, cho đến thời điểm này, gần như chẳng bao giờ bị làm khó bởi những trường hợp tương tự như hồi năm 2005 khi CNOOC (Trung Quốc hải dương thạch du) bị chặn đứng việc mua hãng dầu khí Mỹ Unocal. Tuy nhiên, những chi tiết bất thường trong chiến lược “tẩu xuất khứ” của Trung Quốc tại châu Âu đã khiến bắt đầu nảy sinh tâm lý ngờ vực và dè chừng.
Có thể thấy Trung Quốc đang có một chiến lược được thiết kế theo bài bản chính trị khi bỏ vốn vào canh bạc kinh tế châu Âu. Theo một báo cáo 16 trang, những địa điểm Trung Quốc đang đầu tư mạnh hiện là các nước nằm ngoại vi châu Âu; và trong hầu hết trường hợp, việc bỏ tiền giải cứu không thuần túy mang tính hỗ trợ kinh tế. Việc Ngân hàng phát triển Trung Quốc chỉ giúp Serbia giải bài toán nợ với điều kiện họ “thu được” một con cầu bắc ngang Danube là một ví dụ. Tương tự, tháng 6/2010, Trung Quốc chỉ đồng ý mua công trái Hy Lạp với điều kiện nước này cho họ thuê cảng Piraeus trong 35 năm đồng thời Athens phải mua tàu Trung Quốc… Tại sao phải tập trung mạnh vào ngoại vi châu Âu và đặc biệt các nước nhỏ Đông Âu, thay vì xoáy vào các nước có nền kinh tế chắc chắn hơn (đủ khả năng trả nợ) ở trung tâm châu Âu?
EU không chỉ là thị trường hấp dẫn của giới đầu tư Trung Quốc mà còn là nơi “tập kết” lý tưởng của hàng giả từ Hoa lục
Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu đã đưa ra lời giải. Việc Trung Quốc vuốt ve các nước nhỏ Đông Âu sẽ giúp họ xây dựng được quan hệ sâu và nhờ đó có thể đạt được những lợi ích đầu tư kinh tế lẫn chính trị, khi gián tiếp dùng và thông qua những quân cờ nhỏ tạo được sức ép ảnh hưởng đối với các nước lớn khác trong EU. Trong một bài báo về sự hiện diện Trung Quốc tại châu Âu, tác giả Vivian Ni viết: “Người ta tin rằng nhiều thương vụ đầu tư của Trung Quốc không chỉ xuất phát từ lợi ích kinh tế mà còn là lợi ích ngoại giao và địa chính trị”. Đơn cử cho yếu tố địa chính trị là trường hợp trùm bất động sản Hoàng Nộ Ba (thuộc Trung Khôn tập đoàn) đang đề nghị mua một mảnh đất 300km2 tại Đông Bắc Iceland với giá một tỉ krona (8,8 triệu USD) để làm “khu nghỉ mát sinh thái”. Điều khiến người ta chú ý là doanh nhân Hoàng (đứng thứ 161 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc của Forbes) có chân trong Bộ Tuyên truyền Trung ương lẫn Bộ Xây dựng Trung Quốc, cũng như chi tiết về vị trí chiến lược của Iceland, nơi nằm ở điểm “nhạy cảm” giữa châu Âu và Bắc Mỹ...
Phản hồi trước phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Diễn đàn kinh tế thế giới ngày 14/9/2011, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chiến dịch đầu tư kinh tế của Bắc Kinh vào Eurozone là “có liên quan đến các mục tiêu chiến lược và chính trị”. Hạ Minh (Xia Ming), Giáo sư chính trị học thuộc City University (New York), nói rõ hơn: “Hy Lạp đóng một vai trò chiến lược quan trọng tại Địa Trung Hải xét ở góc độ chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Với tư cách thành viên EU, Hy Lạp giúp tiếp cận khu vực Eurozone; chưa kể việc nước này cũng là thành viên NATO. Biên giới Hy Lạp tiếp giáp với những nước nằm trong bán đảo Balkan và còn dẫn đến Trung Đông và Tây Âu. Lâu nay nhiều hoạt động chiến lược quan trọng, chẳng hạn hợp tác giữa lực lượng không quân và hải quân các nước đều xuất phát từ đó”. Theo cùng cách, Italia cũng có vị trí chiến lược tương tự và thậm chí mức độ ảnh hưởng mạnh hơn Hy Lạp, nơi có thể sử dụng như một bàn đạp tiến sâu vào cựu lục địa và từng bước cách ly khối Eurozone khỏi ảnh hưởng Mỹ - Giáo sư Hạ nhấn mạnh - một quan điểm được Nicholas Consonery thuộc Nhóm nghiên cứu Á - Âu (Washington DC) chia sẻ...
Còn một vấn đề khác không thể không nhắc. Đó là sự thiếu minh bạch của các công ty Trung Quốc. Ủy viên EU đặc trách công nghiệp kiêm Phó chủ tịch Hội đồng châu Âu - Antonio Tajani (Italia) - cùng một số viên chức EU tại Tây Ban Nha, Italia và Pháp đã chẳng giấu giếm khi nói rằng, các công ty Trung Quốc mua doanh nghiệp châu Âu cốt để ăn cắp kỹ thuật. Bày tỏ việc muốn thành lập một tổ chức tương tự Ủy ban Giám sát đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ, Antonio Tajani nói rằng: “Đã đến lúc trang bị phòng cháy trước khi căn nhà bị thiêu”, rằng: “Chúng tôi muốn biết chắc ai đang đầu tư vào châu Âu và tại sao?”.
Có những vụ không khỏi không khiến đặt câu hỏi là nếu không có một thế lực nào đó bí mật ủng hộ tài chính thì làm sao các công ty Trung Quốc có thể giành thầu với giá chẳng ai có thể ngờ, như vụ một công ty vô danh tiểu tốt tên Tianjin Xinmao S&T Investment Corp (Thiên Tân hâm mậu khoa kỹ tập đoàn) thắng thầu thương vụ mua hãng cáp quang Hà Lan Draka với giá hơn 1,3 tỉ USD, gấp đôi giá trị thị trường công ty này và cao hơn 20% giá bỏ thầu gần sát nhất của một đối thủ châu Âu (Prysmian SpA của Italia)! Điều gây lo ngại ở chỗ, Draka có một chi nhánh chuyên sản xuất cáp quang quân sự cho một số nước phương Tây trong đó có (Hải quân) Mỹ. Một nhóm ủy viên EU dọa ngăn cản thương vụ trên nhưng làm thế nào được khi mà Chính phủ Hà Lan đã chẳng phản đối và châu Âu không có một ban, bộ giám sát các thương vụ nhạy cảm liên quan an ninh quốc phòng. Cuối cùng, chẳng hiểu sao, đầu năm 2011, Thiên Tân hâm mậu tuyên bố bỏ cuộc vụ thầu Draka…
Những chi tiết liên quan thói “láu cá” và “lưu manh” cố hữu của bản chất Trung Quốc trong làm ăn bắt đầu dẫn đến tâm lý cảnh giác đang lan rộng. Ít nhất nó cũng đã thể hiện ở một cuộc thăm dò vào tháng 3/2011 do BBC tổ chức, cho thấy đa số người Đức, Italia và Pháp đều nhìn Trung Quốc bằng cặp mắt tiêu cực, với tỉ lệ cao hơn so với cuộc thăm dò tương tự vào năm 2005…
(Xem tiếp kỳ sau)