1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc “trấn an” làn sóng kêu gọi tranh thủ Covid-19 sáp nhập Đài Loan

(Dân trí) - Trung Quốc đang cố gắng làm dịu làn sóng đang dâng cao ở trong nước kêu gọi Bắc Kinh nên tranh thủ việc thế giới bận đối phó với đại dịch Covid-19 để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Trung Quốc “trấn an” làn sóng kêu gọi tranh thủ Covid-19 sáp nhập Đài Loan - 1

Quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã bị đóng băng kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn (ảnh trên) lên nắm quyền tại Đài Loan. (Ảnh: AFP)

SCMP đưa tin, một loạt các nhà bình luận và các cựu quan chức quân đội Trung Quốc đã lên mạng xã hội kêu gọi sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực - điều mà Bắc Kinh không loại trừ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng giới chức muốn duy trì “một lộ trình dài hơi hơn” và đang cố gắng làm dịu những kêu gọi này.

Một số cựu quan chức quân đội cho rằng, Mỹ - vốn cam kết trợ giúp chính quyền Đài Loan bảo vệ chính mình - hiện không có khả năng làm vậy vì tất cả 4 tàu sân bay của Washington ở Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Một số nhà bình luận, trong đó có Tian Feilong, một phó giáo sư tại Đại học Beihang tại Bắc Kinh, đã kêu gọi chính phủ cân nhắc sử dụng vũ lực và cho rằng một luật “chống ly khai” được phê chuẩn vào năm 2005 cho phép chính phủ có quyền hợp pháp để làm vậy.

Ông Tian viết trong bài báo đăng tải trên một trang web tin tức rằng các diễn biến chính trị và xã hội trên hòn đảo cho thấy khó có thể giải quyết tình hình hòa bình và rằng các cuộc biểu tình chống chính quyền tại Hong Kong chứng tỏ mô hình “một nhà nước, hai chế độ” - mà Bắc Kinh hi vọng có thể sử dụng làm cơ sở để sáp nhập Đài Loan - đã thất bại.

Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ phương án dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo. 

Các liên lạc chính thức giữa đại lục và Đài Loan đã bị đóng băng từ năm 2016, khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền và phản đối mô hình “một Trung Quốc” là cơ sở cho các mối quan hệ.

Tuy nhiên, tướng không quân về hưu Qiao Liang, người được xem có quan điểm cứng rắn tại Trung Quốc, cho biết trong một bài viết khác được đăng tải trên mạng xã hội WeChat rằng giờ chưa phải là lúc sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực.

Ông Qiao nhận định, việc đó sẽ “quá tốn kém và rủi ro” và Trung Quốc nên chờ đợi cho tới khi có đủ tiềm lực kinh tế và quân sự để thách thức Mỹ.

Một nguồn tin quân sự tại Bắc Kinh cho rằng giới chức đại lục vẫn hi vọng tình hình có thể giải quyết hòa bình và phần lớn người Đài Loan vẫn muốn giữ nguyên hiện trạng.

“Duy trì sự ổn định và thịnh vượng của Đài Loan trước và sau khi sáp nhập vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với đại lục”, nguồn tin nói.

Lee Chih-horng, người giảng dạy về quan hệ xuyên eo biển tại Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore), cho rằng các bài viết của ông Deng và Qian cho thấy chính phủ Trung Quốc muốn bám lộ trình sáp nhập Đài Loan.

“Ban lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra họ cần làm dịu dư luận trong bối cảnh các kêu gọi sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực trở nên quá mạnh, và nhiều người trên mạng xã hội Trung Quốc khuấy động chủ đề này để gây chú ý”, ông Lee nói.

“Như ông Qiao nói, Bắc Kinh đã nhận ra đây không phải là thời điểm phù hợp để giành Đài Loan bằng vũ lực, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đưa ra phương án cuối cùng để giải quyết vấn đề Đài Loan”.

Hai năm trước, Fang Binh, một giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nói với đài truyền hình quốc gia CCTV rằng lộ trình sáp nhập Đài Loan của Bắc Kinh sẽ không bị ảnh hưởng dù ai có lên nắm quyền tại hòn đảo.

An Bình

Theo SCMP