Trung Quốc tiêu hủy hơn 6 tấn ngà voi
(Dân trí) - Cơ quan chức năng Trung Quốc chiều qua (6/1) đã thực hiện vụ tiêu hủy 6,1 tấn ngà voi tại tỉnh Quảng Đông, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu mặt hàng hoang dã này. Đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ ngà voi lớn nhất thế giới.
Đợt tiêu hủy này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy một sự chuyển hướng về chính sách của Bắc Kinh trong việc xử lý ngà voi bị tịch thu, vốn thường chỉ được cất trong kho sau mỗi vụ án.
Lễ tiêu hủy được thực hiện vào chiều qua tại thị trấn Machong, với tổng cộng 6,1 tấn ngà voi và các sản phẩm điêu khắc từ ngà voi bị đưa vào máy nghiền, trước sự chứng kiến của các nhà ngoại giao, khách quốc tế, các nhà bảo tồn và giới truyền thông.
Trên thị trường chợ đen, mỗi kg ngà voi được bán với giá 1000 - 2000 USD, John Scanlon tổng thư ký của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cho biết.
Đợt tiêu hủy diễn ra một tháng sau khi Trung Quốc cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh Voi châu Phi tại Botswana hôm 2/12 năm ngoái rằng, nước này sẽ hành động để ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi, Zhang Li, phó giáo sư đại học sư phạm Bắc kinh và là chuyên gia về voi cho biết.
“Đây thực sự là một quyết định quan trọng và nhanh chóng chỉ trong 1 tháng”, Zhang nói. “Sau Gabon, Kenya, Philippines và Mỹ thì Trung Quốc là chính phủ tiếp theo thực sự hành động để phá hủy kho ngà voi phi pháp. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc bảo vệ số lượng voi cũng như ngăn ngừa hoạt động buôn bán động vật hoang dã”, ông Zhang khẳng định.
Theo truyền thông Trung Quốc, trong vòng 3 năm qua, nước này tịch thu được ít nhất 16 tấn ngà voi. Ông Zhang cho biết số còn lại chưa bị tiêu hủy do còn vướng quá trình xét xử của tòa án”. Dù vậy không có con số thông kê chính thức về lượng ngà voi bị tịch thu đang được cất giữ.
Andrea Crosta, giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập tổ chức Liên đoàn hành động vì voi thì cho rằng, cuộc tiêu hủy chỉ như một hành động truyền thông của Trung Quốc, nhằm giảm bớt áp lực từ cộng đồng quốc tế đang thúc ép nước này hành động.
“Hàng chục tấn ngà voi phi pháp không ngừng được tuồn vào Trung Quốc mỗi năm, và chúng được “rửa” sạch trên thị trường hợp pháp. Đây là yếu tố quan trọng nhất đằng sau cuộc khủng hoảng săn bắt trộm voi hiện nay”, ông Crosta nói.
Thanh Tùng
Theo SCMP