Trung Quốc thừa nhận tàu ngư dân đánh cá ở vùng biển Indonesia
(Dân trí) - Trung Quốc đã thừa nhận rằng ngư dân của họ đánh cá ở vùng biển mà Indonesia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế trong khi Bắc Kinh gọi đây là ngư trường truyền thống.
Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xiao Qian ngày 16/1 thừa nhận rằng ngư dân Trung Quốc đã đi vào vùng biển ở rìa phía nam Biển Đông vào tháng 12 năm ngoái để đánh cá. Đây là khu vực mà Indonesia tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Ông Xiao đưa ra phát biểu trên sau cuộc họp với Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Mahfud MD vào cùng ngày.
Ông Xiao cho rằng 2 chính phủ có thể “xử lý tình huồng hợp lý” và “giải quyết vấn đề một cách đúng đắn”.
“Ngày cả giữa những người bạn, những người hàng xóm tốt, đôi lúc cũng có những quan điểm khác biệt, những tranh chấp, nhưng điều đó không quan trọng. Chúng ta có thể thương lượng về nhiều vấn đề một cách thân thiện”, ông Xiao nói.
Trong khi đó, theo ông Mahfud, Đại sứ Xiao cho hay chính quyền Trung Quốc bị ngư dân “gây áp lực để họ có thể đánh bắt cá ở vùng biển” mà Indonesia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế. Jakarta xem hành vi đánh cá của ngư dân Trung Quốc tại đây là bất hợp pháp.
Ông Mahfud cho biết các quan chức cấp cao của 2 nước sẽ gặp nhau từ ngày 4-5/2 để bàn bạc tìm phương án giải quyết căng thẳng.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Indonesia và Trung Quốc trong thời gian qua leo thang căng thẳng sau khi hàng chục tàu cá của Bắc Kinh đi vào khu vực Jakarta tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Ngoài ra, tàu tuần duyên của Trung Quốc cũng đi theo bảo vệ các tàu cá.
Khu vực nói trên được Indonesia gọi là Biển Bắc Natuna, nằm ở phía bắc quần đảo Natuna, khu vực mà Trung Quốc đã thừa nhận là lãnh thổ Indonesia.
Hồi tuần trước, Indonesia đã 4 máy bay chiến đấu F-16, cũng như các tàu cá và tàu chiến tới khu vực quần đảo Natuna để đối phó Trung Quốc.
Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia, cho hay mặc dù Trung Quốc có vai trò quan trọng với nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á, nhưng vấn đề chủ quyền quốc gia là điều không thể mang ra thương lượng.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, tuyến giao thông quan trọng và giàu tài nguyên, dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”, nhưng yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Indonesia nhiều lần khẳng định lại lập trường rằng, nước này không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông và cũng không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Indonesia và Trung Quốc vẫn có xung đột trước đó về quyền đánh cá xung quanh quần đảo Natuna.
Đức Hoàng
Theo SCMP