1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc thua một bước trong chiến lược vây Ấn Độ

Bangladesh đã hủy bỏ dự án cảng do Trung Quốc đề xuất, trong khi Nhật Bản, Ấn Độ đều quan tâm xây dựng các cảng khác.

The Times of India ngày 8/2 cho hay, do quan hệ giữa Ấn Độ và Bangladesh từng bước được tăng cường, New Delhi vừa bày tỏ quan tâm tới dự án xây dựng cảng Payra - một cảng nước sâu mới nhất ở nước láng giềng này.

Đây là một động thái quan trọng của Ấn Độ, cũng cho thấy xu hướng quan hệ chiến lược của hai nước. Ngoài ra, Nhật Bản có thể sẽ xây dựng một cảng nước sâu khác ở Cox's Bazar, đó là cảng Matarbari.

Đối với New Delhi, cảng Sonadia và cảng Hambantota (Sri Lanka), cùng với cảng Gwadar (Pakistan) đều thuộc chiến lược "chuỗi ngọc trai" do Trung Quốc triển khai để bao vây Ấn Độ từ hướng biển.

Bài viết cho hay, Bangladesh đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng một cảng ở Sonadia - đông nam Bangladesh do Trung Quốc đề xuất. Nếu cảng này được xây dựng xong, vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tăng lên, thế lực Bắc Kinh áp sát quần đảo Andaman - Nicobar của Ấn Độ.

Mặc dù nguyên nhân chính thức hủy bỏ kế hoạch cảng Sonadia là cảng này thiếu tính khả thi thương mại, nhưng cảng Matarbari do Nhật Bản phát triển cách cảng này chỉ 25 km.

Trung Quốc không chỉ đã chuẩn bị một nghiên cứu khả thi cho cảng Sonadia, họ còn từng cam kết cung cấp tài trợ lớn cho cảng này.

Hủy bỏ dự án cảng Sonadia rõ ràng là một quyết định chiến lược của Bangladesh, đồng thời chắc chắn nó có bàn tay thúc đẩy của Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Không chỉ Bangladesh, cách đây không lâu,Tổng thống Sri Lanka, ông Maithripala Sirisena cũng tuyên bố sẽ hủy dự án "thành phố cảng" của Trung Quốc.

Mô hình dự án thành phố cảng Colombo
Mô hình dự án thành phố cảng Colombo

Ông Sirisena khi tuyên bố nhậm chức tổng thống tối 9/1/2015, đã cảnh báo: “Sri Lanka có thể trở thành thuộc địa và chúng ta có thể trở thành nô lệ”, nếu chủ trương hợp tác với Trung Quốc của tiền nhiệm kéo dài thêm 6 năm nữa.

Được biết, Sri Lanka là bệ phóng cho một trong những chủ trương đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: lập “Con đường tơ lụa trên biển” để nối Trung Quốc với châu Âu.

Mới đây, tờ The Jakarta Post của Indonesia đã dẫn lời ông Hermanto Dwiatmoko, Cục trưởng Cục Đường sắt Indonesia trong cuộc trao đổi với báo giới hôm 27/1 cho biết Bộ giao thông nước này đã yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc tạm dừng dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung, trị giá 5,5 tỉ USD để chờ giấy phép xây dựng.

Theo ông Hermanto Dwiatmoko, Bộ Xây dựng Indonesia chỉ mới cấp phép cho phía Trung Quốc xây 5 km đầu tiên trong tổng chiều dài toàn tuyến là 142,3 km. Việc cấp phép này chỉ phục vụ mục đích động thổ.

Cũng theo tờ The Jakarta Post, ngày 26/1, trả lời trước Hạ viện, Bộ trưởng Ignasius Jonan nói rằng Bộ giao thông vận tải không thể cấp giấy phép cho dự án đường sắt cao tốc được tập đoàn PT Kereta Cepat Indonesia Trung Quốc (KCIC) làm chủ đầu tư. Lý do là bởi nhiều giấy tờ liên quan tới dự án chưa được nộp đầy đủ.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện dự án kiểu này. Chúng tôi không thể cấp giấy phép khi mới chỉ dựa trên những đánh giá”, ông Jonan khẳng định.

Bộ trưởng Jonan cho biết, trong số 11 giấy tờ được yêu cầu trình lên bộ để xin giấy phép xây dựng, KCIC còn thiếu các thông tin chi tiết về thiết kế của dự án, minh họa kỹ thuật, dữ liệu hiện trường cũng như các thông số kỹ thuật của dự án.

Ngoài việc thiếu các giấy tờ cần thiết, nhà thầu Trung Quốc còn bị trả lại các giấy tờ đã nộp vì họ để nguyên bản tiếng Trung Quốc mà không dịch sang tiếng Anh.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chính phủ sẽ không phải gánh chịu hậu quả khi nhà đầu tư dừng dự án giữa chừng”, ông Jonan cho biết thêm.

Trước đó, ngày 20/2/2015, Bộ trưởng Công trình Công cộng, Dịch vụ và Nhà ở Bolivia Milton Claros cũng cho biết quốc gia Nam Mỹ này đã quyết định hủy một hợp đồng xây dựng đường sắt trị giá 250 triệu USD với công ty quốc doanh Trung Quốc China Railway.

Ông Claros bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định này do phía Trung Quốc đã không đáp ứng đúng thời hạn và hiệu quả như hai bên đã thỏa thuận trước đó.

Tuyến đường sắt dài 150km nối hai thành phố Montero thuộc bang Santa Cruz và Bulo Bulo, bang Cochabamba hiện đã được chuyển giao cho nhà thầu khác.

Công trình này được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động giao thương giữa khu vực miền Trung Bolivia với các địa phương giáp biên giới Brazil.

Theo Thanh Giang (Tổng hợp)

Đất Việt