1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong

(Dân trí) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 30/6 đã thông qua luật an ninh Hong Kong, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.

Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong - 1

Phiên họp của Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Theo South China Morning Post, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 30/6 đã thông qua luật an ninh Hong Kong. Các nguồn tin cho biết dự luật được 162 thành viên của ủy ban đồng nhất thông qua, trong vòng 15 phút kể từ khi cuộc họp bắt đầu vào 9 giờ sáng.

Chỉ một vài đại biểu Hong Kong được nhìn thấy dự thảo của luật trước khi được thông qua.

Một nguồn thạo tin tiết lộ Xinhua, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, sẽ công bố chi tiết về dự luật mới được thông qua vào chiều nay, đánh dấu lần đầu tiên dự luật được công khai với công chúng.

Sau khi được thông qua, luật an ninh Hong Kong dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7, nhân kỷ niệm 23 năm ngày Hong Kong được Anh trao trả về Trung Quốc. Luật dự kiến áp dụng khung hình phạt tối đa là tù chung thân, thay vì 10 năm như thông tin trước đó.

Giới chức Trung Quốc nói rằng dự luật nhằm đối phó với các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với thế lực nước ngoài tại Hong Kong, song nhiều nước bày tỏ quan ngại dự luật sẽ làm suy yếu nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” của đặc khu hành chính này.

Theo dự luật, chính quyền đại lục sẽ lập ra một cơ quan an ninh tại Hong Kong để phân tích, đánh giá tình hình an ninh, thu thập thông tin và xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, dự luật cũng cho phép Hong Kong sẽ lập một ủy ban mới để bảo vệ an ninh đặc khu, ủy ban này chịu sự giám sát và chỉ đạo của cơ quan do chính quyền trung ương lập ra.

Lãnh đạo đặc khu Hong Kong Carrie Lam sẽ đứng đầu ủy ban an ninh đặc khu và có quyền chỉ định các thẩm phán thụ lý các vụ án liên quan đến an ninh đặc khu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chính quyền ở Bắc Kinh vẫn có quyền bác bỏ phán quyết.

Thành Đạt

Theo SCMP