Trung Quốc “theo sát” chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un
(Dân trí) - Giới chức Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ chuyến công du tới Nga vào tháng 5 của ông Kim Jong-un bởi nó có tác động lớn tới an ninh bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á. Tuy nhiên, một học giả Trung Quốc nhận định chuyến thăm này không có ý nghĩa gì với Bắc Kinh.
Đại diện chính phủ Nga cuối tháng 1 đã xác nhận ông Kim Jong-un sẽ là một trong các lãnh đạo thế giới tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Hồng quân Liên Xô chiến thắng Phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai, được tổ chức tại Mátxcơva vào ngày 9/5 tới.
Nếu điều này thực sự xảy ra, Nga sẽ là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim kể từ khi ông này lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên 3 năm trước.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 6/2 dẫn lời một quan chức ngoại giao giấu tên của nước này cho biết: “Giới chức Trung Quốc nói rằng họ đang theo chặt chẽ, phân tích về khả năng ông Kim thăm Nga và tác động của chuyến thăm này tới tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như tới khu vực Đông Bắc Á”.
Yonhap đánh giá hiện ông Kim Jong-un đang muốn tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế với Nga trong bối cảnh quan hệ Trung-Triều đóng băng và cộng đồng quốc tế đang chỉ trích và gây áp lực lên Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân cũng như vấn đề nhân quyền của nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang phải chịu những áp lực khổng lồ từ xung đột tại đông Ukraine, cũng mong muốn tăng cường quan hệ với Bình Nhưỡng trong một nỗ lực nhằm giảm ảnh hưởng của chính sách "xoay trục sang châu Á" của Mỹ.
Tuy nhiên, Yonhap dẫn lời ông Li Kaisheng, một nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế của Học viện khoa học xã hội Thượng Hải (Trung Quốc), bình luận trên Thời báo Hoàn cầu rằng việc ông Kim Jong-un chọn quốc gia nào cho chuyến công du đầu tiên không quan trọng với Trung Quốc.
Việc Kim Jong-un không chọn Bắc Kinh cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên cũng không thành vấn đề”, ông Li nói.
Học giả Li nhận định Bắc Kinh luôn giữ lập trường phản đối Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Bởi vậy, nếu ông Kim không có thiện chí trong vấn đề này, Bắc Kinh cũng không có lý do nào để chào đón ông này đến thăm.
“Có lẽ, ông Kim cho rằng ông ta có thể giữ mối quan hệ Trung- Triều nằm gọn trong mô hình truyền thống. Trong mô hình này, để giữ Triều Tiên làm vùng đệm an ninh cho mình, Bắc Kinh "mắt nhắm, mắt mở" đối với những hành động của Triều Tiên dù chúng có thể gây hại đến Trung Quốc. Và vì thế, Bắc Kinh sẽ vẫn chào đón nồng nhiệt nếu ông Kim đến thăm”, học giả Li nói.
“Tuy nhiên, Trung Quốc đã thấy chán với việc phải chạy theo những đòi hỏi của Triều Tiên. Đặc biệt, dưới thời ông Tập Cận Bình, ưu tiên ngoại giao của Trung Quốc đã chuyển sang nắm lấy thế chủ động chiến lược và không chấp nhận bị dắt mũi. Nếu lãnh đạo Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì mô hình đã lỗi thời trước đây, Bình Nhưỡng sẽ gặp phải sự phản đối của Bắc Kinh”, ông Li khẳng định.