1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc "thay đổi chiến thuật" để theo đuổi yêu sách phi lý ở Biển Đông

Đông Phong

(Dân trí) - Chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt nhận định, với việc ra quy định mới dọa phạt tàu cá nước ngoài, Trung Quốc đang dùng luật nội địa để tạo "cơ sở pháp lý" trong việc theo đuổi yêu sách ở Biển Đông.

Trung Quốc thay đổi chiến thuật để theo đuổi yêu sách phi lý ở Biển Đông - 1

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc (Ảnh minh họa: AFP).

Trung Quốc mới đây đã ban hành quy định mới đe dọa phạt nặng các ngư dân nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố "thuộc quyền tài phán" của mình. Quy định mới được Bộ Nông nghiệp Nông thôn và Hải cảnh Trung Quốc ban hành và có hiệu lực từ ngày 26/11, song chỉ mới được công bố gần đây.

Theo quy định mới mà Trung Quốc đưa ra, ngư dân nước ngoài có thể bị phạt tới 400.000 nhân dân tệ (62.700 USD) nếu bị phát hiện có hoạt động đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa Trung Quốc tuyên bố mà không có sự đồng ý của Trung Quốc. Những ngư dân này có thể bị hải cảnh Trung Quốc trục xuất và tịch thu các thiết bị đánh bắt.

Nếu ngư dân nước ngoài đánh bắt trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải hoặc ở phạm vi rất gần bờ biển Trung Quốc, họ có thể bị phạt tới 500.000 nhân dân tệ (78.500 USD) và bị tịch thu tàu thuyền.

Trao đổi với Dân trí, Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, một trong những chuyên gia hàng đầu về Biển Đông và luật biển quốc tế, cho hay trong năm 2021, Trung Quốc đã cho ban hành hai luật được sửa đổi liên quan đến biển, đó là Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải. Trong cả hai luật này, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã chỉ rõ sự mập mờ khi Bắc Kinh tuyên bố áp dụng luật trong "vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc". Việc ban hành quy định bắt phạt ngư dân mới đây cũng được Bắc Kinh quy định tương tự.

"Trung Quốc có quyền ban hành các luật nội địa nhưng chỉ trong phạm vi lãnh thổ của họ, và các luật này không được trái với các quy định của luật quốc tế. Vì vậy, việc Trung Quốc ra sức dùng nội luật để "hiện thực hóa" tham vọng của họ sẽ thất bại, bởi cộng đồng quốc tế không dễ gì chấp nhận các tham vọng phi lý và vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc", ông Việt nhận định.

Trung Quốc đang "đổi chiến thuật"

Theo ông Việt, yêu sách biển phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông với cái gọi là "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc đã đổi "chiến thuật" bằng cách đặt ra các quy định trong nội luật nước này, nhằm tạo "cơ sở pháp lý" cho các hành động của mình. Theo đó, Trung Quốc đưa ra những yêu sách, quy định mập mờ để nếu cần, Bắc Kinh có thể tìm cách ngụy biện, lý giải cho hành động của họ. Đây là cách mà phương Tây gọi là "chiến tranh pháp lý" của Trung Quốc.

Chuyên gia trên cũng lưu ý việc, Trung Quốc đã đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ năm 1999, tuy nhiên chỉ mới thực sự áp dụng lệnh này từ năm 2007. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần bắt giữ hoặc đâm chìm tàu của ngư dân các nước ven Biển Đông.

Theo ông Việt, Mỹ và các nước phương Tây đã rất lo ngại trước việc Trung Quốc đang tìm cách diễn giải sai lệch về luật biển quốc tế. Trung Quốc cũng đang tìm cách tác động tới luật quốc tế để có thể mang lại những lợi ích cho riêng họ, xem nhẹ lợi ích của các quốc gia khác.

"Chính vì vậy, yêu cầu xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ là hết sức quan trọng, và hầu hết các quốc gia trên thế giới đang ủng hộ cho nỗ lực này", ông nói.

Trong khi đó, trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Bill Hayton, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương của Chatham House (Anh), nhà báo kiêm tác giả sách về Biển Đông và Trung Quốc, lưu ý rằng "vấn đề ở đây là sự mơ hồ trong định nghĩa về khu vực áp dụng luật".

"Tôi nghĩ khía cạnh quan trọng nhất trong quy định mới của Trung Quốc là nơi mà quy định này sẽ được triển khai trên thực tế. Trung Quốc nêu ra cái gọi là "vùng biển thuộc quyền tài phán" của họ, song tôi chưa thấy cách diễn giải chính xác cho khái niệm này", ông Bill Hayton nói.