1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc: Thanh lọc tham nhũng trong quân đội

Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc chính thức thông báo, Thượng tướng Phòng Phong Huy - cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - bị điều tra vì tình nghi tham nhũng - vừa bị giao cho công tố viên quân sự. Điều này có nghĩa là Phòng Phong Huy sẽ bị kết tội tại Tòa án quân sự.


Thượng tướng Phòng Phong Huy - cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc – đã được giao cho cơ quan công tố quân sự làm rõ tội trạng

Thượng tướng Phòng Phong Huy - cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc – đã được giao cho cơ quan công tố quân sự làm rõ tội trạng

Lãnh đạo các đơn vị chủ chốt của Quân ủy Trung ương - Phòng Phong Huy và Trương Dương, cựu Chủ nhiệm Tổng cục Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương - đã bị điều tra và sa thải hồi tháng 8/2016.

Vi phạm nghiêm trọng

Cuộc điều tra đã phát hiện cả 2 nhân vật này đều vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật. Theo tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tháng 11/2017, Tướng Trương Dương đã treo cổ tự sát tại nhà riêng sau khi bị điều tra về hành vi tham nhũng và vi phạm kỷ luật Đảng. Việc bắt giữ các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao như vậy là điều bất thường, cho thấy Trung Quốc tiếp tục đấu tranh phòng chống tham nhũng ở mọi cấp độ quyền lực trong các cơ quan nhà nước.

Theo ông Andrei Karneev - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi - chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc không chỉ tập trung vào công tác chống hối lộ mà còn tập trung vào phòng chống tất cả các hành vi lạm dụng quyền lực làm giảm khả năng chiến đấu của quân đội. Nói chung, trọng tâm là việc tăng cường kỷ luật và xây dựng quân đội tuyệt đối trung thành với ban lãnh đạo chính trị.

Các bản báo cáo chính thức nhấn mạnh rằng quá trình "ngã ngựa" của 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu là do sai lầm chính trị chứ không phải thói tham nhũng khét tiếng của họ. Không loại trừ khả năng Phòng Phong Huy - người đã được coi là một trong những tướng lĩnh có nhiều hứa hẹn nhất - có liên quan đến việc loại bỏ những sai lầm chính trị của các nhà lãnh đạo quân sự cũ và thanh lọc hết ảnh hưởng của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trong quân đội.

Thanh lọc

Theo ông Andrei Karneev, cuộc chiến phòng chống tham nhũng, kể cả trong quân đội và các cơ quan an ninh khác, đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi ông lên nắm quyền lãnh đạo hồi năm 2012. Các nhà quan sát lưu ý rằng, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thay đổi cơ cấu của Quân ủy Trung ương, khiến cơ quan này đã trở nên nhỏ gọn hơn và dễ kiểm soát hơn dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình.

Hiện nay trong thành phần Quân ủy Trung ương không chỉ có Bộ Tham mưu và Tổng cục Công tác Chính trị mà còn có Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong số các ủy viên Quân ủy Trung ương, có cả Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Trương Thăng Dân. Chi tiết này cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục cuộc thanh lọc giới “chóp bu” quân đội.

Ngày 13/1, Hội nghị toàn thể lần thứ 2 Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã bế mạc tại Bắc Kinh. Diễn biến mới của công cuộc chống tham nhũng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành được cả thế giới quan tâm. Theo thông báo mới nhất ngày 11/1 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, năm 2017, các cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát cả nước Trung Quốc đã điều tra xử lý 527.000 người, trong đó có 58 cán bộ cấp tỉnh, bộ trở lên.

Ông Dimitri Vlassis - người phụ trách Cơ quan chống tham nhũng và tội phạm kinh tế Văn phòng Liên Hợp quốc về chống ma túy và tội phạm - nói rằng những vụ án liên quan đến tham nhũng mà Trung Quốc điều tra xử lý trong những năm qua chứng tỏ nước này đã có rất nhiều nỗ lực và giành được thành tựu to lớn trong chiến dịch chống tham nhũng.

Julio Rios - Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Galicia, cơ quan tham vấn Tây Ban Nha - cho rằng Trung Quốc đã đi đầu trong nỗ lực chống tham nhũng. Trong khi đó, theo Lucio Pitlo - chuyên gia về vấn đề Trung Quốc thuộc Trường Đại học Ateneo (Philippines) - Trung Quốc đã thành công về việc truy bắt tội phạm, thu hồi tang vật ở nước ngoài trong chiến dịch chống tham nhũng. Điều đó thể hiện Trung Quốc quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chống tham nhũng theo pháp luật. Giancarli Elia Valori - chuyên gia vấn đề quốc tế của Italy - nhận định, những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nghiêm khắc chống lại nạn tham nhũng đe dọa sự phát triển của nước này, coi trọng cơ chế tự giám sát Đảng và Nhà nước.

Trong khi đó, Gershon Ikyala - Giảng viên kinh tế quốc tế làm việc tại Đại học Nairobi - nhận định cải cách thể chế giám sát là một sáng tạo lớn trong việc chống tham nhũng của Trung Quốc, hình thành cơ chế chống tham nhũng có hiệu quả thông qua thực hiện giám sát toàn diện đối với tất cả công chức sử dụng công quyền. Còn Marcelo Del Piero - Giám đốc Trung tâm Quốc gia Argentina thuộc Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế – nhận xét, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện chế độ giám sát nghiêm ngặt trong Đảng và các đơn vị cơ quan nhà nước đã đảm bảo nước này phòng chống tham nhũng có hiệu quả một cách có hệ thống...

Theo Hồ Thanh

Pháp luật Việt Nam