1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc tăng tốc "can dự" vào Trung Đông

Không “ồn ào” như Mỹ và Nga qua các chiến dịch quân sự, song Trung Quốc cũng đang “tăng tốc” mạnh trong chiến lược can dự vào khu vực có vị trí địa - chính trị và kinh tế quan trọng sống còn này.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm UAE tháng 7-2018 với mục tiêu gây dựng một cộng đồng vì tương lai chung giữa Trung Quốc với khu vực Trung Đông

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm UAE tháng 7-2018 với mục tiêu gây dựng một cộng đồng vì tương lai chung giữa Trung Quốc với khu vực Trung Đông

Động thái được cho là thể hiện rõ nhất sự tăng tốc trong chiến lược can dự vào Trung Đông là chuyến thăm tới Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 7 vừa qua. Chỉ tới UAE, nhưng mục đích chuyến công du được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh là bước tiến quan trọng trong kế hoạch ngoại giao của nước này, đẩy mạnh quan hệ song phương, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định cho khu vực Trung Đông cũng như gây dựng một cộng đồng vì tương lai chung giữa Trung Quốc với khu vực này.

Trung Đông với vị trí địa - chính trị nằm ở trung tâm 3 châu lục: châu Á - châu Âu - châu Phi, lại có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, từ lâu luôn giữ một ví trị chiến lược trọng yếu trên toàn cầu, là một địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. Vươn tới tầm cường quốc toàn cầu sau Mỹ và Nga, Trung Quốc cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế, quân sự đang dần đẩy mạnh sự can dự nhằm tìm kiếm vai trò và ảnh hưởng tại khu vực chiến lược Trung Đông cho tương xứng với vị thế mới của mình trên thế giới.

Việc gia tăng tiếng nói và ảnh hưởng đối với Trung Đông không chỉ nằm trong chiến lược lớn tăng cường vị thế toàn cầu mà còn phục vụ những lợi ích rất quan trọng khác của Trung Quốc. Trước hết, là quốc gia đang nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với 9 triệu thùng dầu/ngày, Trung Quốc bằng mọi cách phải đảm bảo cho được nguồn dầu mỏ từ Trung Đông, khu vực nắm giữ 1/2 tổng trữ lượng “vàng đen” toàn cầu với trên 750 tỷ thùng.

Cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Trung Đông đang ảnh hưởng tới an ninh và sự ổn định của Trung Quốc khi các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở khu vực này có thể tác động, hậu thuẫn cho các phần tử Hồi giáo tại Tân Cương, Tây Tạng. Các vụ tấn công khủng bố do các phần từ cực đoan nguồn gốc từ Tân Cương hay Tây Tạng gây ra thời gian qua đã buộc Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.

Sự can dự của Trung Quốc vào Trung Đông còn nằm trong chiến lược của “Vành đai - Con đường” đang triển khai trên phạm vi thế giới. Đặc phái viên vấn đề Trung Đông của Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua từng nêu rõ, sự phát triển của “Vành đai - Con đường” sẽ trở thành “một trong những đóng góp quan trọng nhất của Trung Quốc” đối với việc giải quyết các “điểm nóng” của khu vực Trung Đông.

Không ồn ào và cạnh tranh nhau quyết liệt như giữa Mỹ và Nga, song Trung Quốc từ nhiều năm nay cũng đã tăng cường ngày càng nhiều hơn sự hiện diện cả về kinh tế và quân sự tại Trung Đông. Từ năm 2016, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Arập, chiếm 32% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Đông với tổng vốn gần 30 tỷ USD và tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Thập niên qua, trao đổi thương mại của Trung Quốc với khu vực Trung Đông đã tăng gấp 10 lần, hiện đạt trên 230 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của các nước Arập Trung Đông. Trung Quốc cũng đã cam kết cho các nước Trung Đông vay 20 tỷ USD và viện trợ 1,6 tỷ USD cho các dự án kinh tế.

Trong khi đó, việc căn cứ hải quân của Trung Quốc ở nước Cộng hòa Djibouti nằm trên vùng Sừng châu Phi đi vào hoạt động từ tháng 7-2017 không chỉ nhằm trực tiếp khống chế “yết hầu” tuyến vận tải biển qua Biển Đỏ, mà còn là “bàn đạp” để Bắc Kinh can thiệp vào Trung Đông trong trường hợp cần thiết.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô