Trung Quốc sợ thua kiện trên Biển Đông
40 chiếc máy bay Mỹ, trong đó có 1 phi đội 12 chiếc máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet đang tham gia vào cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) ở ngoài khơi Vịnh Subic phía Bắc Philippines với sự tham gia của 8.000 binh sĩ Mỹ và Philippines.
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền bãi Scarborough Shoal giữa Philippines và Trung Quốc bùng lên vào tháng 4-2012 vẫn tiếp diễn, cuộc tập trận Balikatan như là lời khẳng định rõ ràng và chắc chắn về cam kết của lực lượng vũ trang Philippines và Mỹ sẽ kề vai sát cánh với nhau trong việc đảm bảo sự ổn định, an ninh. Đây cũng là điều mà Trung Quốc đang lo ngại.
Khi vấn đề Biển Đông mới bắt đầu nóng lên, nhiều nhà quan sát quốc tế đã nghĩ: Sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa bằng luật pháp quốc tế vì đây là tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới và không ai “cho phép bất ổn xảy ra”. Việc đáng nhẽ đã phải đi theo hướng đó nhưng đến tận bây giờ khi Trung Quốc đã thay tàu hải giám, ngư chính bằng tàu chiến, đã có việc bắn phá tàu của nhiều ngư dân Đông Nam Á thì sự thể ngày càng phức tạp hơn.
Quấy nhiễu để lấn dần biển đảo
Tờ Liberation của Pháp số ra ngày 2-4 đã có bài viết nhận định về “chủ nghĩa bành trướng” trên biển của Bắc Kinh làm các nước láng giềng lo ngại và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tờ báo nhận định, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu chạm vào “giấc mơ Trung Quốc” và để làm được điều đó, Bắc Kinh đã lao vào một tiến trình chinh phục những lãnh thổ với các nước láng giềng.
Trung Quốc đã dàn một loạt lực lượng tàu hải quân, bán quân sự và cả dân sự ra biển để hỗ trợ cho tham vọng đòi chủ quyền đối với khoảng 80% vùng lãnh hải, lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có hàng trăm hòn đảo nhỏ và bãi đá nằm rải rác khắp hàng nghìn dặm. Trong khi Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý theo Luật Hàng hải quốc tế để đòi chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông thì nước này dường như đang tìm cách dựa vào sức mạnh quân sự ngày một tăng để thực hiện tham vọng của mình.
Hồi tuần trước, Trung Quốc vừa thực hiện một chiến dịch hải quân rầm rộ vượt ra cả ngoài giới hạn “đường 9 đoạn” phi lý ở Biển Đông. Cùng với đó, Trung Quốc còn sáp nhập 5 cơ quan hàng hải dân sự thành một lực lượng bảo vệ bờ biển có nhiệm vụ nặng nề là xác lập chủ quyền đối với những vùng biển đang nằm trong tranh chấp với các nước khác.
Đã đến lúc luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng
Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (Manila gọi là bãi cạn Panatag hay đảo Hoàng Nham theo cách gọi của Bắc Kinh). Ngày 22-1-2013, Philippines đã quyết định đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Tất nhiên, Trung Quốc đã từ chối hợp tác cùng Philippines và khẳng định không chấp nhận đơn kiện này.
Giới chuyên gia quốc tế khẳng định hành động này của Manila hoàn toàn không viển vông và rất khôn ngoan. Họ đã thực hiện các hành động pháp lý rất cẩn trọng và yêu cầu Trung Quốc phải giải thích nước này đã dựa vào căn cứ nào của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để vẽ ra cái gọi là “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò). Thêm vào đó, Philippines cũng khẳng định Trung Quốc không có sở hữu bất kỳ đảo thực sự nào ở bãi cạn Scarborough và họ đã xây dựng trái phép các công trình trên những mỏm đá ở khu vực này để làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và làm căn cứ quấy rối ngư dân Philippines dù họ đang hoạt động trong vùng thuộc chủ quyền của Philippines theo UNCLOS. Lá đơn kiện của Philippines cho thấy, đã đến lúc luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng và là công cụ cần thiết nhất trong việc thiết lập lại sự ổn định tại vùng biển này.
Trong số các phán quyết trước đây của Tòa án Trọng tài quốc tế có không ít trường hợp tòa án này đưa ra phán quyết phân rõ trắng - đen. Ví dụ như trong vụ phân xử tranh chấp giữa Argentina và Chile đối với chủ quyền 3 hòn đảo trên kênh Beagle, phía Chile đã thắng kiện với phán quyết khẳng định đối với các đảo này. Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc thực sự lo ngại về một phán quyết tương tự trong trường hợp này. Để chuẩn bị cho vụ kiện này, hồi năm ngoái Manila đã quyết định mở hầu bao để thuê luật sư nổi tiếng người Mỹ Paul Reichler để đại diện cho mình trong các phiên tòa. Trong giới luật sư quốc tế, Paul Reichler đã được phong biệt hiệu “sát thủ của những gã khổng lồ”. Paul Reichler đã từng nhiều lần đại diện cho các quốc gia nhỏ bé như Nicaragua và Mauritius khởi kiện và giành phần thắng những tên tuổi lớn như Mỹ, Anh…
Vụ Manila kiện Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang bắt đầu “nóng” lên khi theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), do Trung Quốc đã từ chối tham gia tố tụng, không chọn Thẩm phán đại diện cho mình, nên Chủ tịch của ITLOS đã chỉ định Thẩm phán Ba Lan.
“Không thể khoanh tay đứng nhìn hàng xóm cháy”
Trước những diễn biến nêu trên, Trung Quốc đang gây áp lực đối với các nước ASEAN, trong đó có Singapore và Malaysia, nhằm mục đích ngăn cản việc “xét xử vắng mặt” đối với tính bất hợp pháp trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Lựa chọn khác mà Bắc Kinh tính đến bao gồm, đảo ngược tiến trình và tự mình đứng ra kiện (điều này dường như là không thể); tiếp tục không tham gia vào vụ kiện mà Philippines khởi động nhưng hy vọng kết quả sẽ có lợi nhất cho họ (nếu Trung Quốc thua kiện, nước này sẽ tuyên bố phán quyết của tòa là vô giá trị và sẽ phớt lờ kết quả); cô lập và dọa dẫm Philippines để nước này buộc phải từ bỏ vụ kiện - lựa chọn này có thể gây phản tác dụng vì nó khiến Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế phản đối nhiều hơn.
Trong khi Manila quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng thì Trung Quốc liên tục bác bỏ khả năng giải quyết các tranh chấp Biển Đông ở Tòa án quốc tế. Bắc Kinh muốn giải quyết các cuộc tranh chấp này trên cơ sở song phương.
Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đã quyết định sẽ tiến hành đàm phán lặng lẽ với Philippines nhằm thuyết phục nước láng giềng nhỏ hơn của họ rút đơn kiện về tranh chấp Biển Đông lên Tòa án quốc tế. Lý do Bắc Kinh làm thế là để tránh những nguy cơ gây ra từ vụ kiện này.
Đây là nhận định vừa được Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CNAS) đưa ra. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi Bắc Kinh phải “đổi” cho Manila một vài thứ có ý nghĩa như việc mở lại con đường ra, vào bãi cạn Scarborough cho Philippines, đảm bảo rằng các dự án dầu mỏ - khí đốt của Philippines ở Biển Đông có thể được tiến hành mà không bị quấy rối đồng thời đưa ra cam kết rằng những cuộc đàm phán về tranh chấp Biển Đông sẽ tiếp tục diễn ra trên tinh thần thiện chí, nhà phân tích Peter Dutton của CNAS cho biết.
Trong diễn biến khác, ở cuộc họp quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19 tuần qua, Trung Quốc cho biết sẽ ngồi vào bàn đàm phán để xây dựng và thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tuy vậy, những hành xử gần đây của Trung Quốc có thể khiến nhiều nước nghĩ việc đi đến được giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp còn gian nan. Sự kiện tàu hải quân Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa đã gây phán ứng mạnh trên dư luận quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng “phản đối mạnh mẽ lối hành xử vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực” trên biển.
Việc Trung Quốc tiến hành “diễn tập” đổ bộ lên James Shoal không phải chỉ gây nguy hại cho riêng Malaysia mà còn gây nguy hại trực tiếp đến các nước trong khu vực ASEAN. Đã có nhà quan sát nhận xét rất xác đáng rằng: “Không thể khoanh tay đứng nhìn nhà hàng xóm cháy. Bởi vì ngọn lửa đó trước sau rồi cũng sẽ cháy lan sang nhà mình. Phải cùng nhau hợp sức để dập tắt ngọn lửa ngay từ khi nó mới bùng lên!”.
Theo Minh Khuê
An ninh Thủ đô