1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc sẽ trở thành "người khổng lồ" xuất khẩu vũ khí? (2)

(Dân trí) - Tạp chí National Interest nhận định có lẽ trong thập niên tới, Trung Quốc sẽ bước ra khỏi cái bóng của công nghệ Nga, vươn mình trở thành một thế lực trong ngành công nghiệp vũ khí, National Interest viết.

Quân đội Trung Quốc đang giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga. (Ảnh:

Quân đội Trung Quốc đang giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga. (Ảnh:RT)

Giảm sự lệ thuộc vào nước ngoài

Theo tạp chí National Interest, mặc cho những tiến bộ lớn đã đạt được, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc hiện tại vẫn phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ và các nhà cung cấp của Nga. Vũ khí Trung Quốc phần lớn đều cần phụ tùng Nga, và công nghiệp quốc phòng Bắc Kinh vẫn sẽ cần được Nga cố vấn. Hiện Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xem xét đặt hàng các thế hệ vũ khí tối tân nhất của Nga, bao gồm cả loại máy bay chiến đấu SU-35 và hệ thống tên lửa đất đối không mới nhất.

Tuy nhiên, tạp chí Mỹ cho rằng trong thập niên tiếp theo, chúng ta có thể nhìn thấy công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sẽ rũ bỏ phần lớn những sự lệ thuộc của họ. Công nghệ động cơ của Bắc Kinh đang được hoàn thiện, trong khi tỷ lệ nội địa hoá các linh kiện điện tử trong sản xuất vũ khí cũng đang tăng dần đều.

Nga hẳn cũng cảm thấy họ nhiều khả năng sẽ mất đi lợi thế về công nghệ quốc phòng trước người láng giềng, do đó sẽ xem xét lại chiến lược chuyển giao công nghệ của mình. Mối quan hệ Nga - Trung trong sản xuất quốc phòng vốn là một sự hợp tác truyền thống nhưng cũng nhiều biến cố, từng bị thử thách bởi những tranh cãi chính trị và cách mạng công nghệ. Nhưng có lẽ trong thập niên tới, chúng ta sẽ được chứng kiến Trung Quốc bước ra khỏi cái bóng của công nghệ Nga, vươn mình trở thành một thế lực trong ngành công nghiệp vũ khí, National Interest viết.

Vươn mình thành trung tâm xuất khẩu khí tài quân sự

Tạp chí Mỹ cho rằng vấn đề lớn nhất của quân sự Trung Quốc khi so sánh với Mỹ là họ thiếu vắng hoàn toàn lực lượng đồng minh. Chỉ có mình Pakistan (vốn cũng có vấn đề trong quan hệ đồng minh với Mỹ) và Triều Tiên, đang phụ thuộc vào công nghệ và sự bảo trợ quốc phòng từ Bắc Kinh, là những đồng minh thân cận nhất của họ.

Trong mười năm tới, thế giới khó lòng có thể nhìn thấy hệ thống các nước đồng minh mới xoay quanh Trung Quốc, mà thay vào đó có thể là một liên minh chống lại “nỗi ám ảnh” Bắc Kinh. Tuy nhiên, chúng ta có thể chứng kiến Trung Quốc sẽ lọt vào danh sách những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu, đặc biệt là thế chân Nga trong một số lĩnh vực công nghệ trọng yếu. 

Các phương tiện bộ hành, tàu chiến cỡ nhỏ, phi cơ và tàu ngầm mang nhãn hiệu Trung Quốc gần đây đều gặt hái được thành công trên thị trường xuất khẩu. Doanh số các mặt hàng này không nhất thiết phải vượt qua “người hàng xóm Nga”, do Bắc Kinh không có kiểu “hào phóng” cung cấp vũ khí vô điều kiện như Mátxcơva đã từng làm trong những năm 1960-1970. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh chắc chắn hiểu tầm quan trọng của sự kết hợp các mối quan hệ chính trị lâu dài với sự phát triển kinh tế giữa các tổ chức quân sự trên khắp thế giới. Ví dụ như các bản hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Thái Lan hay phi cơ JF-17 cho Argentina chắc chắn không chỉ kết thúc sau khi giao hàng. Bên mua sẽ còn cần tới sự trợ giúp của Trung Quốc trong việc bảo trì, huấn luyện, tư vấn, và thêm vào đó là khả năng nâng cấp trang thiết bị trong tương lai. Cũng giống như Mỹ, Nga, hay Pháp, Trung Quốc cũng có thể dùng những mối quan hệ này làm đòn bẩy cho các mối quan hệ chính trị hoặc kinh tế sau này.

Các nhà phân tích về tình hình quân sự Trung Quốc thường tập trung vào năng lực của PLA trong việc bảo vệ lãnh thổ và hiện hệ thống chống xâm nhập của Trung Quốc đã được mở rộng ra tới vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là một phần của  kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ của PLA, bước đầu họ đã có những thành công đáng kể trong việc phát triển và thiết đặt các hệ thống phòng thủ chiến lược tầm xa. 

Theo National Interest, hệ thống phòng thủ này bao gồm các máy bay tầm xa, tàu ngầm diesel - điện, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, song song với đó họ đã bổ sung thêm các hệ thống khí tài truyền thống như tàu chiến, tàu tấn công đổ bộ, tàu ngầm hạt nhân và tất nhiên là cả tàu sân bay. Trong thập kỷ tới, khi vũ khí tầm xa của Bắc Kinh phát triển nhanh cả về chất lượng lẫn số lượng, cộng thêm với sự trợ giúp của hải quân và không quân, nhiều khả năng PLA sẽ vượt qua Mỹ để trở thành lực lượng quân sự có phạm vi hoạt động rộng lớn nhất trên thế giới.

National Interest nhận định, binh sĩ Trung Quốc sẽ được huấn luyện để có thể chiến đấu chống lại bất cứ hệ thống quân sự tối tân nào trên thế giới một cách sòng phẳng, kể cả về mặt công nghệ. 

Washington không hề muốn điều này xảy ra, và để giữ vị thế cường quốc số một về công nghệ quốc phòng trước các đối thủ nói chung và Trung Quốc nói riêng, họ đã cân nhắc đưa ra các chiến lược nhằm đảm bảo vị thế của mình. Tuy các chiến lược đó có thể đáp ứng được các mục tiêu bá chủ của Mỹ, nhưng National Interest cảnh báo rằng người Trung Quốc rất giỏi trong việc nắm bắt và thích nghi với các thay đổi của cuộc chơi. Sự thích nghi này không chỉ gói gọn trong quan hệ phức tạp giữa họ và Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới cách Bắc Kinh tương tác với Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.

Khánh Trần
Theo National Interest