1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc sẽ đáp trả thế nào sau cuộc điện đàm “gây bão” của ông Trump?

(Dân trí) - Trung Quốc có thể có nhiều cách để thể hiện sự bất bình trước cuộc điện đàm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, gồm cả lấy đi thêm những đồng minh ngoại giao của Đài Loan và đẩy mạnh triển khai quân sự ở Eo biển Đài Loan.


Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. (Ảnh: Getty)

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. (Ảnh: Getty)

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào tuần trước. Đây là cuộc gọi lần đầu tiên của một tổng thống đắc cử hoặc tổng thống Mỹ cho lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979 và đang ít nhiều gây "sóng gió" trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ảnh hưởng quốc tế

Ông Shi Yinhong, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh và là cố vấn của chính phủ về những vấn đề ngoại giao, cho rằng Trung Quốc vẫn trong giai đoạn “chờ xem” khi thể hiện thái độ với ông Trump. Ông lưu lý rằng phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc điện đàm này khá kiềm chế. “Nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu ông Trump tiếp tục như vậy khi nhậm chức”, ông Shi nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh, “nếu chính phủ Trung Quốc xét thấy Tổng thống Trump muốn thách thức chính sách đối ngoại duy trì gần 40 năm qua, chắc chắn Trung Quốc sẽ có phản ứng rất mạnh mẽ.

Phản ứng mạnh mẽ này có thể bao gồm chính sách đối với Triều Tiên, mà Trung Quốc đang làm việc với Washington để kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, hoặc tại Biển Đông đang tranh chấp. “Mọi điều đều có thể xảy ra”, ông Shi nói.

Ví dụ, Bắc Kinh có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên, hỗ trợ kinh tế cho quốc gia đang phát triển tên lửa có thể nhắm tới Mỹ, hoặc có thái độ gây hấn hơn đối với các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông - nơi cho đến nay Trung Quốc vẫn tự mình đưa ra giới hạn với những cảnh báo miệng.

Washington và Bắc Kinh cũng đã hợp tác trong các thỏa thuận đa phương để hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và biến đổi khí hậu - những lĩnh vực mà ông Trump nói ông muốn xem xét lại để có được thỏa thuận có lợi hơn cho cho Mỹ.

Trừng phạt Đài Loan?

Trong khi đó, Global Times, phụ san của Nhân Dân Nhật báo (tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc), cho rằng trừng phạt Đài Loan là cách tốt nhất để truyền tải thông điệp đến ông Trump.

Trong ấn bản bằng tiếng Trung và tiếng Anh, Global Times viết: "Trung Quốc đại lục có thể để cho Đài Loan mất một hoặc hai đồng minh ngoại giao như một hình phạt cũng như lời cảnh báo. Trung Quốc cũng có thể tăng cường triển khai quân sự".

Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc nói cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái hình thành một "tiền lệ khủng khiếp" đối với quan hệ Trung Quốc - Mỹ và đặt một dấu hỏi lớn cho quá trình chuyển giao suôn sẻ trong mối quan hệ này.

Jia Qingguo, Hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh và là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, cho rằng vụ việc này sẽ giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc nắm bắt được những tín hiệu không chắc chắn ban đầu trước đây về ông Trump và hiểu rõ hơn những gì chính quyền của ông có thể muốn nói với Trung Quốc, nhưng "theo hướng tiêu cực".

"Ông Donald Trump đang làm tổn hại mối quan hệ và điều đó cũng sẽ làm tổn hại lợi ích của Mỹ. Nếu ông ấy tiếp tục điều này khi ông nhậm chức, tôi cho rằng giữa hai nước sẽ có thêm nhiều xích mích về thương mại, về Đài Loan. Điều này bất lợi cho cả hai nước. Có lẽ một cuộc đối đầu Mỹ-Trung liên quan vấn đề Đài Loan sẽ tác động tiêu cực hơn nhiều tới trật tự quốc tế và quan hệ giữa hai nước”, ông Jia nhận định.

Tuệ An

Tổng hợp