Trung Quốc sắp khánh thành đập vòm lớn nhất thế giới
(Dân trí) - Trung Quốc sắp khánh thành đập vòm lớn nhất thế giới, Bạch Hạc Than, sau 4 năm xây dựng. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số lo ngại về chất lượng của công trình và tác động của dự án đối với môi trường.
Khi đập Bạch Hạc Than của Trung Quốc hoàn thành vào tháng 7, nó sẽ sản xuất ra lượng điện gấp 16 lần đập Hoover ở Mỹ. Đập vòm lớn nhất thế giới này cao 300 mét, được xây dựng bằng 8 triệu mét khối xi măng. Đập Bạch Hạc Than nằm ở sông Kim Sa, tại khu vực thượng nguồn sông Dương Tử.
Công trình này xây trong 4 năm với hàng loạt những khó khăn về mặt kỹ thuật, bao gồm địa hình hiểm trở và vị trí xa xôi. Dự kiến con đập trị giá 26,1 tỷ USD sẽ bắt đầu phát điện vào ngày 1/7. Nó có thể sản xuất ra hơn 62 terawatt giờ điện mỗi năm.
Theo giáo sư Deng Jianhui, giáo sư Trường cao đẳng Tài nguyên nước và Thủy điện, thuộc Đại học Tứ Xuyên, đây có thể "là dự án thủy điện thách thức nhất từng được xây dựng".
Đập Tam Hiệp cũng tại Trung Quốc vẫn đang là đập thủy điện lớn nhất thế giới và Bạch Hạc Than xếp thứ 2, tính về công suất điện. Đập Tam Hiệp, với độ cao thấp hơn và vị trí địa lý thuận lợi hơn, mất 8 năm để xây dựng. Nhưng Bạch Hạc Than là đập vòm lớn nhất thế giới và nó có cấu trúc vòm phức tạp hơn, để thích ứng với địa hình trong hẻm núi sâu.
Một số người lo ngại rằng liệu công trình này có thể hoàn thành trước hạn chót đầy tham vọng hay không. Cũng có các lo ngại khác về chất lượng khi con đập được xây trong thời gian khá nhanh.
Đại diện của dự án Bạch Hạc Than nói rằng, dự án có thể xây dựng nhanh là nhờ ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI). AI được sử dụng để quản lý từ công nhân xây dựng tới kỹ sư, điều tra viên thẩm định chất lượng, giám đốc cấp cao.
Kỹ sư đứng đầu dự án Tan Yaosheng cho biết AI đã cải thiện đáng kể tốc độ vận hành dự án và thể hiện sự tối ưu hơn so với con người ở một số lĩnh vực nhất định.
Một vấn đề tranh cãi khác là hơn 100.000 người dân đã phải chuyển chỗ ở khỏi các khu vực bị ngập lụt do xây đập. Một số nhà môi trường học đã cảnh báo môi trường sống của các loài động thực vật quý hiếm ở khu vực đập sẽ bị phá hủy khi nước bắt đầu dâng cao trong tháng này.
Một số nhà nghiên cứu lo ngại Bạch Hạc Than sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa tuyệt chủng tới cá và các loài thủy sinh khác ở các vùng hạ lưu của sông Dương Tử - con sông lớn nhất Trung Quốc.