Trung Quốc săn tàu ngầm “Amur” nhằm đối phó với Nhật
Cuối tháng 12/2012, Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận với Moscow mua 4 tàu ngầm lớp “Amur” kiểu 1650. Thế nhưng, Trung Quốc hiện đã sở hữu khoảng 80 tàu ngầm thông thường và đang nỗ lực phát triển các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo cỡ lớn.
Vậy họ mua loại tàu ngầm cỡ nhỏ này để làm gì?
Mua “Amur” thay thế cho SMX-26
Thời gian vừa qua Trung Quốc rất có hứng thú với loại tàu ngầm AIP cỡ nhỏ SMX-26 của hãng DCNS - Pháp. Điều này thể hiện rõ ràng khi tờ “Nhân Dân” (The People) của Trung Quốc có bài viết đăng trên trang nhất vào ngày 26/01/2013, phê phán kịch liệt hãng đóng tàu Pháp vì có ý định bán loại tàu ngầm này cho cả Trung lẫn Nhật.
Tờ báo này cho biết, SMX-26 chính là loại tàu ngầm phù hợp nhất với môi trường đặc thù của biển Đông, có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng đối với lực lượng tàu ngầm Trung Quốc. Việc Pháp có ý định bán loại tàu ngầm này cho Nhật Bản thể hiện rõ Pháp không có “hảo ý” gì với Trung Quốc. Qua sự việc này người ta đã có thể thấy là Trung Quốc “khát” loại tàu ngầm này như thế nào.
Hiện cả 2 loại tàu này đều thuộc dạng hàng “Hot” trên thị trường, nhưng trên thực tế SMX-26 của DCNS vẫn đang thử nghiệm và chưa sản xuất hàng loạt, trong khi đó tàu ngầm “Amur” đầu tiên mang tên Sankt-Petersburg (ký hiệu B-585) đã hoạt động trong lực lượng hải quân Nga từ tháng 4/2010.
Thời gian qua, ngoài việc không ngừng phát triển lực lượng tàu ngầm (đặc biệt là tàu ngầm AIP lớp “Soryu”), Nhật còn đồng ý cho Australia tham gia vào kế hoạch sản xuất “Soryu”, trong khi đó, một kình địch khác của Trung Quốc là hải quân Ấn Độ cũng lên kế hoạch mua tàu ngầm “Amur”.
Có thể nói là các đối thủ chính của Trung Quốc đều đã, đang và sắp có những loại tàu ngầm tiên tiến nhất mà Trung Quốc vẫn đang dậm chân tại chỗ trong việc phát triển tàu ngầm loại này. Trước sức ép đó, Trung Quốc không thể chờ đợi trong thấp thỏm để mua SMX-26 nên họ đã quyết định mua “Amur” để làm đối trọng với Nhật.
Tàu ngầm AIP lớp “Soryu” của Nhật Bản
Sức ép từ tác chiến ngầm ở biển Hoa Đông
Ngoài nguyên nhân chạy đua với Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, việc Trung Quốc ưu tiên hàng đầu cho các tàu ngầm AIP và lựa chọn tàu ngầm “Amur” còn xuất phát từ đặc điểm tác chiến tàu ngầm ở khu vực biển Hoa Đông.
Các tàu ngầm sử dụng loại động cơ này, ngoài việc giảm thiểu độ ồn, mức rung chấn và khả năng bộc lộ bức xạ của động cơ một cách tối đa, còn có thể lặn dưới nước hàng tháng trời mà không cần phải nổi lên hoặc sử dụng các thiết bị lấy không khí, giảm thiểu khả năng bị các phương tiện trinh sát chống ngầm phát hiện.
Chướng ngại chủ yếu mà hải quân Trung Quốc khó khắc phục nhất chính là tác chiến trong khu vực nước nông, mà đại bộ phận khu vực biển Hoa Đông có độ sâu trên dưới 40m, vùng có độ sâu nhất cũng chỉ có 150m, còn lại rất ít chỗ vượt qua 100m. Thông thường các tàu ngầm từ hạng bán trung trở lên rất khó hoạt động tại các vùng biển sâu tầm 50m, ít nhất cũng phải 100m, mới hoạt động được dễ dàng.
Tàu ngầm phải thu nhận được các tín hiệu âm thanh từ tàu địch phát ra để xác định được đối tượng và khu vực phát xạ, địa hình đáy biển Hoa Đông không bằng phẳng, kết hợp với các yếu tố như độ sâu đáy biển, nồng độ muối, địa hình đáy biển, tốc độ và hướng lưu chuyển của các dòng hải lưu đã gây ra hiện tượng phản xạ và tán xạ sóng sonar, đặt ra một thách thức rất lớn với tàu ngầm hoạt động ở khu vực này.
Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi Trung Quốc chỉ nhằm mua các tàu ngầm AIP cỡ nhỏ như SMX-26 hoặc “Amur”.